Sở Nội vụ làm rõ những lùm xùm tại Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

(Dân trí) - Ngoài việc kiểm tra thông tin ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội ký quyết định bổ nhiệm con trai làm Phó phòng rồi nghỉ hưu gây ồn ào dư luận, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ làm rõ nhiều nội dung tố cáo về công tác nhân sự tại cơ quan này.

Trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Ảnh: T.K).
Trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Ảnh: T.K).

Đó là thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cung cấp cho PV Dân trí sau loạt bài về những lùm xùm xảy ra tại Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.

Tổ công tác của Sở Nội vụ Hà Nội sẽ làm rõ việc luân chuyển, bổ nhiệm ông Lê Thiết Lĩnh- chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giữ chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội) có đúng và phù hợp với Quyết định 43/2010 về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển chức danh Trưởng phòng, Phó phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội hay không?

Việc ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã nhận được thông báo của Sở Nội vụ Hà Nội về việc nghỉ hưu từ ngày 1/8/2018 nhưng vẫn ký quyết định bổ nhiệm ông Lĩnh (con trai) có đúng quy định hiện hành?

Đáng chú ý, Tổ công tác của Sở Nội vụ Hà Nội còn xác minh, làm rõ những phản ánh, tố cáo của công dân đối với ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trong đó có nội dung về việc triển khai hỗ trợ phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp tại UBND xã Xuân Giang và UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn); việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng, bổ nhiệm người thân gây ồn ào thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Lê Thiết Lĩnh không nằm trong quy hoạch Phó phòng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giai đoạn 2015-2020, mà chỉ nằm trong quy hoạch nhiệm kỳ 2021-2026 (?!).

Còn ông Trần Sỹ Tiến khẳng định: “Bản thân cá nhân tôi không bao giờ nhận tiền”. Theo ông Tiến, thông báo kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mới đây cũng đã làm rõ những tố cáo này. Theo đó, lãnh đạo UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) khẳng định không biết và không uỷ quyền cho Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký hợp đồng để mua các vật tư gỗ, các thiết bị cưa, bào đục,… Người đã ký vào hoá đơn mua hàng (bên mua) là kế toán- đại diện UBND xã, không phải đại diện của Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký.

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã đối chiếu tài liệu, hoá đơn chứng từ do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và 16 xã, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; kết quả kiểm tra xác minh đối với 7 tổ chức, hộ kinh doanh vật tư, thiết bị và 33 mô hình, 326 hộ gia đình tham gia mô hình là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội.

“Hiện không có đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân trong sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố do Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện”- thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nêu rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thế Kha