1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: “Tôi không bao giờ nhận tiền %”

(Dân trí) - Trước những tố cáo liên quan đến việc lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội hưởng % khi triển khai các mô hình phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp, ông Trần Sỹ Tiến- Phó Chi cục trưởng khẳng định: “Cá nhân tôi không bao giờ nhận tiền”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, khẳng định những tố cáo liên quan đến việc triển khai hỗ trợ phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp tại UBND xã Xuân Giang và UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xác minh, kết luận rõ ràng.

Đối với những tố cáo liên quan đến việc lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội được hưởng % khi triển các mô hình này, ông Trần Sỹ Tiến khẳng định: “Bản thân cá nhân tôi không bao giờ nhận tiền (…). Cán bộ Nhà nước mà đặt phần %, lấy phần % của địa phương thì đi tù sớm”.

Theo ông Tiến, thông báo kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mới đây cũng đã làm rõ những tố cáo này. Theo đó, lãnh đạo UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) khẳng định không biết và không uỷ quyền cho Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký hợp đồng để mua các vật tư gỗ, các thiết bị cưa, bào đục,… Người đã ký vào hoá đơn mua hàng (bên mua) là kế toán- đại diện UBND xã, không phải đại diện của Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký.

Vì vậy không có cơ sở để khẳng định đơn vị này được hưởng 40% giá trị hợp đồng (giá trị hợp đồng là 120 triệu đồng để mua gỗ và 180 triệu đồng để mua cưa, bào, đục, khoản,…) như nội dung công dân phản ánh.

Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đang nảy sinh nhiều ồn ào.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đang nảy sinh nhiều ồn ào.

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã đối chiếu tài liệu, hoá đơn chứng từ do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và 16 xã, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; kết quả kiểm tra xác minh đối với 7 tổ chức, hộ kinh doanh vật tư, thiết bị và 33 mô hình, 326 hộ gia đình tham gia mô hình là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội.

“Hiện không có đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân trong sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố do Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện”- thông báo của cơ quan này nêu rõ.

Mặc dù vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thừa nhận, sau một thời gian thực hiện, đến thời điểm kiểm tra đã có hộ không tiếp tục tham gia mô hình với lý do như chuyển đổi nghề, đi làm việc khác có thu nhập cao hơn hoặc ốm đau bệnh tất, thậm chí đã chết,…

Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế chỉ đáp ứng được một phần (50-70% giá trị) để mua các vật tư, trang thiết bị thô sơ và có thời gian sử dụng ngắn (cưa, đục, khoan, bào, lò sấy, giá sắt, túi nilon,…) nên một số hộ tham gia mô hình không có nguồn kinh phí bổ sung để sửa chữa, bảo quản thiết bị hoặc mua sắm vật tư, thiết bị để tiếp tục phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, kết luận do ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ký duyệt, khẳng định Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã sử dụng số tiền cho thuê trụ sở gần 287 triệu đồng chi vào hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của cơ quan; hỗ trợ một phần chi phí nghỉ mát hàng năm cho cán bộ và người lao động không đúng quy định.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Chi cục trưởng Lê Thiết Cương trong công tác quản lý tài sản từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2012. Sau nhiều năm yêu cầu, đến nay Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn chưa nộp số tiền đã thu từ việc cho thuê tài sản công và sử dụng không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.

Ông Lê Thiết Cương đã bị buộc có trách nhiệm thu và nộp lại gần 287 triệu đồng. Tuy nhiên kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lại không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật nào đối với ông Cương. Còn ông Lê Thiết Cương vừa mới nghỉ hưu “an toàn” từ đầu tháng 8/2018 vừa qua.

Thế Kha