1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số người chết và mất tích do bão Durian lên tới 57 người

(Dân trí) - Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến 13 giờ chiều nay, cơn bão Durian đã làm 57 người chết và mất tích, hơn 1.000 người bị thương; đánh sập và giật tốc mái 18.400 ngôi nhà; gần 1.000 tàu thuyền bị sóng nuốt chửng.

Số người thiệt hại do bão không ngừng tăng

 

Theo con số báo cáo sáng nay thì số người thiệt hại do bão số 9 đã tăng thêm tới 46 người. Tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất về người là Bà Rịa - Vũng Tàu với 18 người chết, 11 người mất tích, gần 600 người bị thương. Đồng thời, bão cũng làm gần 7.000 căn  nhà bị sập và tốc mái, 7 tàu thuyền bị chìm.

 

Tiếp đến là tỉnh Bến Tre với 10 người chết, 78 người bị thương. Huyện Cần Giờ (TPHCM) có 10 người bị chết và mất tích.

 

Tại tỉnh Vĩnh Long, dù bão không đi trực tiếp đi vào tỉnh này nhưng cũng làm 4 người chết, 6 người bị thương, gây sập 451 nhà và tốc mái 690 nhà.

 

Sau khi đi qua tỉnh Khánh Hòa vào lúc 20 giờ ngày 4/12, làm sập và tốc mái 81 căn nhà, chìm 2 tàu thuyền, bão Durian đi qua Bình Thuận làm 2 người thiệt mạng, 180 ngôi nhà tốc mái, 2 tàu thuyền bị chìm, sạt lở 203 m kè biển. Tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu hỗ trợ 288 tấn gạo để cứu trợ cho bà con đi di dời và bị ảnh hưởng sau bão.

 

Tại Tiền Giang, bão cũng làm 2 người chết, 20 người bị thương, làm sập và tốc mái gần 6.500 căn nhà, 25 tàu thuyền bị chìm.

 

Tại Cần Thơ, bão làm 1 người bị thương, làm sập và tốc mái 242 ngôi nhà và làm chìm 2 chiếc thuyền.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương lúc 15 giờ chiều 5/12, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các các địa phương cần tiếp tục nắm chắc lượng tàu bè đang trên đường vào nơi trú đậu, đặc biệt lưu ý bố trí chỗ neo đậu cho số tàu bè đang ở Phú Quốc và đảo Thổ Chu. Đồng thời, ông yêu cầu lực lượng quân đội và công an phải di dời ngay ngư dân trên các thuyền ở những nơi trên vào bờ.

 

Tuy nhiên, con số thiệt hại về người và của do bão số 9 gây ra không chỉ dừng lại ở đó…

 

Cà Mau - Kiên Giang: Đề phòng lốc xoáy

 

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, đây lần thứ ba liên tiếp trong hai ngày qua bão số 9 tiếp tục đi chệch hướng dự đoán trước đó của Trung tâm.  Đến 13 giờ chiều nay, bão số 9 tiến vào địa phận tỉnh Bạc Liêu, rồi di chuyển về phía tỉnh Kiên Giang và Cà Mau với gió cấp 6, cấp 7; khoảng hơn 18 giờ chiều nay bão sẽ đi hết địa phận Cà Mau và tiến ra biển Tây.

 

Theo đó, các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu đang phải đối mặt với nguy cơ lốc xoáy cho ngư dân đang hoạt động tại biển Tây, vì theo dự báo, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km.

 

“Với tốc độ di chuyển này, khoảng chiều tối nay bão số 9 sẽ đi xuống vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và sau đó di chuyển đến khu vực phía tây vịnh Thái Lan. Các tàu thuyền cần đặc biệt chú ý vì với gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 rất dễ gây ra lốc xoáy”- ông Tăng cảnh báo.

 

Hiện tại, các tỉnh Nam Bộ và vùng biển Cà Mau - Kiên Giang đang có mưa to, có nơi mưa rất to nên cần đề phòng lốc xoáy và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh Cà Mau - Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 3 mét và sóng biển cao từ 4 - 6 mét.

 

* Trực y tế 24/24h, cấp cứu miễn phí cho các nạn nhân bão số 9

 

Sáng nay (5/12), Bộ Y tế đã có công điện khẩn, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần khẩn trương triển khai các hoạt động y tế, đảm bảo trực y tế 24/24h, không được để bất cứ nạn nhân nào tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Các nạn nhân cấp cứu sẽ không phải trả bất cứ khoản kinh phí nào.   

 

Công điện yêu cầu, ở các tỉnh, thành bão đã đi qua, ngành Y tế cần khẩn trương khôi phục hoạt động các cơ sở y tế bị hư hỏng do bão, tiếp nhận và điều trị kịp thời các nạn nhân do bão đồng thời sẵn sàng ứng phó với lũ lụt, lốc xoáy do ảnh hưởng tiếp theo của bão.

 

Đồng thời phải phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời vệ sinh môi trường, đối với những nơi bị ô nhiễm nặng phải xử lý bằng hoá chất. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, sử dụng các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn tuyệt đối thực phẩm và nước uống, đặc biệt lưu ý tới bệnh đường ruột, sốt xuất huyết và các bệnh lạ mới phát sinh. (Hồng Hải)

 

* Xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng để trục lợi 

 

Bộ Thương mại cũng vừa có Công điện yêu cầu Sở Thương mại các tỉnh chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như lương thực - thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng (tôn lợp, đinh vít, kính xây dựng, xi măng…) nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng đầu cơ, găm hàng và nâng giá bán để trục lợi. 

 

Bộ Thương mại cũng yêu cầu các Sở chỉ đạo các phòng chức năng nắm chính xác tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn, nhất là nhu cầu bức xúc của dân đối với một số hàng hoá thiết yếu; trên cơ sở đó đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp xử lý nhằm bảo đảm hàng hoá, vật tư, hàng hoá thiết yếu được cung ứng kịp thời với giỏ cả ổn định.  (Nguyễn Hiền)

 

Hiền Linh