Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay bị cắt khiến giá vé tăng

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ngành hàng không đang đối mặt nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay.

Thông tin này có trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 3, sáng 3/4.

Tăng trưởng quý I vượt kịch bản đề ra

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những vấn đề mới nổi lên trong tháng 3 và quý I cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị cho ý kiến về những kết quả đạt được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để đưa ra giải pháp khả thi, hiệu quả cho tháng 4 và quý II.

Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay bị cắt khiến giá vé tăng - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo các báo cáo, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện. Kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Dũng, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu; cùng với Indonesia, Singapore là "tam giác vàng" khởi nghiệp của ASEAN.

Báo cáo cho thấy tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.

Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TPHCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay bị cắt khiến giá vé tăng - 2

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Kết quả này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Dũng cho biết quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng, đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Hai kịch bản tăng trưởng

Chỉ ra khó khăn, thách thức, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh (Đến cuối tháng 3 là khoảng 170 máy bay, giảm hơn 40 máy bay so với cùng kỳ năm 2023), nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay bị cắt khiến giá vé tăng - 3

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong khi đó, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại ĐBSCL và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Việc cấp phép các mỏ cát mới, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

Vì thế, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết có 2 kịch bản được đưa ra.

Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay bị cắt khiến giá vé tăng - 4

Phiên họp được trực tuyến tới đầu cầu các địa phương (Ảnh: Đoàn Bắc).

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, Bộ kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.