Thủ tướng thúc tiến độ loạt dự án cao tốc, sân bay
(Dân trí) - Với 34 dự án cùng 86 dự án thành phần, trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại chủ yếu là dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Sáng 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVGT, chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 46 tỉnh, thành phố có các dự án giao thông trọng điểm đi qua.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nay quy mô nền kinh tế lớn hơn, các dự án trọng điểm cũng ngày càng có quy mô hơn nên phải rút kinh nghiệm qua từng thời kỳ, dự án để có tư duy, cách tiếp cận mới, giải quyết tốc độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn, đảm bảo người dân nhường đất cho dự án, di dời đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn.
Với 34 dự án cùng 86 dự án thành phần, trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại chủ yếu là dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo rất nặng nề.
Việc thực hiện dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố đòi hỏi phải có chỉ đạo xuyên suốt. Thủ tướng nêu rõ, sau 9 phiên họp, chúng ta có thêm kinh nghiệm, sự chuẩn bị tốt hơn, mỗi lần lại phấn khởi hơn vì có công trình, dự án triển khai tốt hơn.
Theo Thủ tướng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các tư vấn giám sát, tư vấn kỹ thuật; khắc phục các bất cập như cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu các tuyến cao tốc bố trí các nút giao hợp lý, linh hoạt theo thực tiễn sẽ khai thác hiệu quả hơn, để địa phương có cao tốc đi qua thực sự hưởng lợi.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý các vấn đề như thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án theo cơ chế, chính sách đã được ban hành, tránh tiêu cực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và có công cụ để can thiệp, xử lý, khen thưởng kịp thời.
Tinh thần được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh là "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Theo báo cáo về công tác thực hiện đầu tư các dự án, việc giải phóng mặt bằng được các địa phương triển khai quyết liệt, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên, công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế triển khai còn chậm so với yêu cầu.
Các tỉnh Quảng Trị (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ), thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan), tỉnh Đồng Nai (dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TPHCM)... chậm so với kế hoạch đề ra.
Về vật liệu xây dựng thông thường, báo cáo nêu rõ các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, nhà thầu khai thác được 14/17 mỏ cát, đáp ứng khoảng 91% nhu cầu và 43/55 mỏ đất, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu.
Các mỏ còn lại dù đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác nhưng đến nay chưa khai thác được, do đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát được 16,02 triệu m3; còn 2,98 triệu m3 chưa xác định được nguồn.
Một số dự án như Vành đai 3 TPHCM, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn khó khăn trong xác định nguồn vật liệu đắp.
Với Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đang lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai thi công dự án.
Với 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai, tiến độ triển khai còn chậm, trừ một số gói thầu do TPHCM và Long An (Vành đai 3), Hà Nội (Vành đai 4), Bà Rịa - Vũng Tàu (Biên Hòa - Vũng Tàu), An Giang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) làm cơ quan chủ quản triển khai cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang, Cao Lãnh - An Hữu, cũng đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Với Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao và dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Hà Nội và TPHCM đang tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu chạy thử nghiệm, hoàn thiện báo cáo đánh giá an toàn hệ thống, các thủ tục liên quan làm cơ sở báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để đưa vào khai thác theo kế hoạch.
Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, các dự án thành phần của Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành cũng đang triển khai đáp ứng tiến độ.