Thủ tướng: Tránh phát triển nóng, "ăn xổi ở thì"
(Dân trí) - Nhấn mạnh công tác ngoại giao kinh tế cần phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tránh phát triển nóng, "ăn xổi ở thì", cần chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Hội nghị về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024, chiều tối 2/4.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản"
Thủ tướng đề nghị các cơ quan hoạt động trên tinh thần 3 cùng: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng khái quát "3 phát huy" gồm: phát huy thế và lực của đất nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa kết hợp với phát triển du lịch, ngoại giao nhân dân; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng lưu ý phải luôn giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản", giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi khi thuận lợi và không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức.
Cho rằng công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác, Thủ tướng dẫn chứng, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như gạo đang tốt, cầm vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển bền vững; vừa lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn.
Bên cạnh đó, ông lưu ý tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá cả hợp lý, không "ăn xổi ở thì".
"Càng lúc này, các mặt hàng Việt Nam càng phải củng cố vị thế, uy tín. Giá cao mình cạnh tranh lành mạnh, nhưng chú ý đến tình người, đạo đức kinh doanh. Khi họ khó khăn mà mình không chia sẻ với đối tác, lúc mình khó khăn, ai sẽ chia sẻ với mình? Khi hợp tác làm ăn, cả hai bên đều phải có lợi, lợi dụng lúc đối tác khó khăn để "đục nước béo cò" thì văn hóa Việt Nam không như vậy", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đột phá trong ngoại giao kinh tế năm 2024
Thủ tướng chỉ rõ 4 định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới, bao gồm việc tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại.
Trong đó, theo người đứng đầu Chính phủ, cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.
"Cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…)", Thủ tướng gợi mở.
Ông nhấn mạnh cần khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn những địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - Châu Phi, thị trường Halal…
Trong xây dựng chính sách, Thủ tướng lưu ý tính phản ứng kịp thời, điều chỉnh chính sách với định hướng tập trung vào những thứ đối tác cần chứ không phải thứ mình có.
"Ngoại giao kinh tế năm 2024 phải đột phá theo hướng đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động, nắm bắt cơ hội, vướng mắc phải tháo gỡ, triển khai phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ nửa cuối năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với 4 nước lớn
Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế từ năm 2023 đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết.
Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.
Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số…