1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sổ hộ khẩu không ngăn được “dòng chảy nhập cư” vào đô thị

(Dân trí) - Nhất trí bỏ sổ hộ khẩu, bỏ điều kiện riêng “nhập hộ khẩu” tại các thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội phân tích, Hà Nội, TPHCM vẫn tăng dân số cơ học rất lớn…

Các ý kiến được nêu ra tại phiên họp thẩm tra dự án luật Cư trú (sửa đổi) của UB Pháp luật ngày 12/5.

Cùng với việc thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan soạn thảo luật (Bộ Công an) cũng đề xuất bỏ quy định về điều kiện riêng khi đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương.

Không có hộ khẩu, dân vẫn “chảy” về thành phố lớn

Sổ hộ khẩu không ngăn được “dòng chảy nhập cư” vào đô thị - 1
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày những điểm mới trong dự thảo luật Cư trú sửa đổi.

Trình bày về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, các “điều kiện riêng” khi đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, theo Luật cư trú hiện hành, đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên. Thời gian này tăng lên 2 năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ 3 năm trở lên…

Các “điều kiện riêng” kể trên được đặt ra nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, qua nhiều năm, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả. Bằng chứng là tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn vẫn rất cao. Nhiều người dân, mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc khiến gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động cũng như thụ hưởng các dịch vụ xã hội.

“Việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013” - Thứ trưởng Ngọc phản ánh.

Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất từ quy định này chính là người nhập cư, lao động có thu nhập thấp. Nhiều người có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố nhưng không được hưởng đầy đủ các dịch vụ, phúc lợi xã hội như người có hộ khẩu thường trú, tạo ra tâm lý bị phân biệt đối xử, chính sách không công bằng.

Ngoài ra, một tỷ lệ lớn người dân phải tạm trú hoặc không đăng ký thường trú, tạm trú còn gây nên những bất cập trong quản lý cư trú và ổn định an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.

Đánh giá chung, Bộ Công an nhận định, quy định tăng thời hạn tạm trú đối với các quận nội thành chưa phải là giải pháp tối ưu để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư và giải quyết được vấn đề nhập cư ở các thành phố lớn.

Dân nhập cư cao gấp đôi dân “có hộ khẩu”

Sổ hộ khẩu không ngăn được “dòng chảy nhập cư” vào đô thị - 2
Các đại biểu tham dự phiên họp của UB Pháp luật bằng hình thức trực tuyến.

Đề nghị bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện “nhập hộ khẩu” tại các thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 luật Thủ đô của Chính phủ nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội.

Uỷ viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, không nên đặt ra chế độ riêng biệt với các địa phương khác nhanh vì quản lý nhà nước, quản lý dân cư phải thống nhất.

Đồng tình với nhận định của Chính phủ là các “điều kiện riêng” chỉ hạn chế được việc nhập khẩu chứ không hạn chế được việc nhập cư, ông Hồng khẳng định, việc đặt ra các điều kiện trong việc nhập khẩu ít nhiều đã tạo tâm lý kỳ thị trong một bộ phận người dân, chưa kể tới việc làm phức tạp thêm về một số vấn đề về quản lý an ninh trật tự, tội phạm, an toàn giao thông…

Mặt khác, xu thế xã hội hiện nay, người dân có nhiều lựa chọn nơi cư trú, không phải như trước đây, nhất nhất là phải vào nội đô, vào các thành phố lớn. Nhất là sau “biến cố” đại dịch Covid-19, ông Hồng dự báo, thời gian tới sẽ có xu hướng dịch chuyển ngược lại, người dân tự “lánh” dần khỏi lõi đô thị đông đúc.

Nhận định việc bỏ các “điều kiện riêng” là hợp lý, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết, kết quả khảo sát tại Hà Nội cho thấy, việc tăng dân số cơ học rất lớn.

“Rõ ràng những người này không có thường trú, nhưng họ vẫn cư trú tại Hà Nội rất bình thường, thậm chí là từ đời này sang đời khác” - ông Hoà thông tin.

Điều tương tự cũng diễn ra ở TPHCM. Theo ông Hoà, dân số cơ học ở thành phố lớn nhất cả nước này gần gấp đôi dân số có hộ khẩu thường trú.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cũng đề nghị phân tích rõ hơn tác động tiêu cực về mặt xã hội của giải pháp đề ra khi làm tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác…, nhất là khi Hà Nội và TPHCM đang bị quá tải về các dịch vụ công này.  

Thái Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm