1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sò đo cam có phải là "kẻ xâm lăng độc hại"?

(Dân trí) - Tiến sĩ Đặng Văn Hà – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất (ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam) - khẳng định, thông tin cho rằng cây Sò đo cam là “cây ngoại lai xâm hại”, “kẻ xâm lăng thầm lặng”, cây có hoa độc là không chính xác.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều bài viết “kết án” cây Sò đo cam đang trồng tại Việt Nam, cho rằng cây này là “cây ngoại lai xâm hại”, “kẻ xâm lăng thầm lặng”… cần phải thay thế.

Nội dung các bài viết cho rằng, hạt của Sò đo cam có khả năng phát tán theo gió và nảy mầm rất nhanh. Từ đó Sò đo cam có thể xâm chiếm các vùng đất hoang hóa và loại bỏ các cây khác. Ngoài ra, hoa của Sò đo cam còn chứa chất độc biolarvicides, là loại chất độc gây ảnh hưởng tới nhiều sinh vật sống xung quanh nó khiến hệ sinh thái bị thay đổi. Theo đó, nếu không có các biện pháp kịp thời, Sò đo cam sẽ gây ra sự biến mất dần của các quần thể động vật sống xung quanh cây, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.

2-1444966113495

Tiến sĩ Đặng Văn Hà (bìa trái) trao đổi với PV Dân trí

Những thông tin trên khiến người dân và cả cơ quan chức năng ở các địa phương đang trồng nhiều cây Sò đo cam (chủ yếu là các tỉnh miền Trung Tây Nguyên) khá hoang mang, quyết định nhổ bỏ cây Sò đo cam, trồng cây khác thay thế.

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam). Tiến sĩ Hà khẳng định, Sò đo cam không phải là cây ngoại lai xâm hại ở Việt Nam và cây này cũng không chứa những chất độc nguy hiểm như thông tin báo chí nêu. Ngược lại, cây Sò đo cam ở Việt Nam còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh, rất thích hợp trồng làm cảnh và lấy bóng mát.

 


Cây Sò đo cam trong vườn nhà Tiến sĩ Hà đã cao lớn, xung quanh không có cây con.

Cây Sò đo cam trong vườn nhà Tiến sĩ Hà đã cao lớn, xung quanh không có cây con.

 


Lá Sò đo cam khá giống với lá cây khế.

Lá Sò đo cam khá giống với lá cây khế.

 

“Năm 2009 tôi vào Đà Lạt và mang về 5 cây Sò đo cam trồng ở vườn, đến nay cây đã cao hơn 10m, thân cây to 20-25cm, tán rộng 5-6m. Cây đã ra hoa được 3 năm nay, nhưng tôi theo dõi thì xung quanh đó không có hiện tượng cây tái sinh mọc lên. Theo tôi tìm hiểu thì người ta nhân giống cây này từ hạt và hom cành. Người ta nói cây này phát tán theo gió rất nhanh là không có cơ sở thực tế.

Thông tin cho rằng hoa của cây này có chứa chất độc hại, làm ảnh hưởng tới nhiều sinh vật xung quanh, trong khi đó lại nói cây có khả năng phát tán xâm lấn nhiều vùng đất khác thì rất mâu thuẫn với nhau. Bởi nếu có chứa chất độc thì các con vật như ong, bướm… bay tới hút mật của hoa sẽ bị chết, nhưng tôi thấy chúng có chết đâu (cười). Góc độ khác ong, bướm… còn có tác dụng thụ phấn cho hoa từ đó cây mới có thể tái sinh tiếp được, nếu hoa có chứa chất độc thì làm sao mà ong, bướm đến thụ phấn được. Chính vì vậy nói hoa chứa chất độc gây hại là không có cơ sở thực tế” – Tiến sĩ Hà phân tích.

Cũng theo Tiến sĩ Hà, trong cây Sò đo cam còn chứa các chất có thể tiêu diệt được virus sốt xuất huyết. Trong bộ phận hạt của cây có thể chiết xuất những chất làm sát trùng sinh học, diệt virus gây bệnh (giống như dạng thuốc sâu).

Tiến sĩ Hà thông tin thêm, cây Sò đo cam ở Việt Nam được trồng ở khá nhiều tỉnh, nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực Đà Lạt. Ngoài ra, ở Hà Nội một số địa phương như Xuân Mai, Ba Vì người dân cũng đã trồng cây này. Sò đo cam tán rộng, hoa đẹp nên rất thích hợp trồng làm cảnh và lấy bóng mát. Tuy nhiên, thân của Sò đo cam là gỗ mềm, dễ bị gãy đổ khi gặp thời tiết bất lợi nên không thích hợp cho trồng ở đường phố.

“Tôi có đọc tham khảo thì một số văn bản của thế giới nói Sò đo cam nằm trong danh sách 100 cây xâm hại. Nhưng tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu của từng nước. Ở nước ta thì tôi nghiên cứu và theo dõi thì cây này không có hại và hoàn toàn có thể trồng được. Một số tỉnh đang có kế hoạch chặt hàng ngàn héc-ta cây Sò đo cam, theo tôi thì không nên” – Tiến sĩ Hà nói thêm.

 

Hiện tại, trước thông tin Sò đo cam là cây độc, không nên trồng làm cây xanh, cây cảnh, một số tỉnh vùng Tây Nguyên đang lên kế hoạch chặt bỏ, trồng thay thế toàn bộ cây Sò đo cam. Để rộng đường dư luận và có thông tin chính xác cho người dân, Dân trí rất mong nhận được ý kiến đóng góp của những người có hiểu biết về loại cây này.

 

Nguyễn Dương