Sinh viên Y Dược “phát hoảng” trước dự thảo tăng học phí
(Dân trí) - Thông tin học phí của sinh viên ngành Y Dược cao nhất có thể lên tới 800.000đ/tháng khiến các y bác sỹ tương lai phát hoảng. Hầu hết sinh viên ĐH Y và ĐH Dược Hà Nội cho biết khó “trụ” với mức tăng mới và ước, dự thảo mãi là… dự thảo!
Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội nhìn nhau ngao ngán khi nhắc tới việc tăng học phí
Nguyễn Thị Thuý Nga, sinh viên năm thứ nhất lớp Y1G trường ĐH Y Hà Nội hốt hoảng: “Chúng em học tập để sau này phục vụ xã hội như bao ngành nghề khác, lại học nhiều hơn bất cứ nghề nào, lẽ ra phải được hỗ trợ chứ sao lại tăng học phí cao nhất? Tăng nhanh và đột ngột như thế thì chúng em, con nhà nghèo chỉ còn nước… nghỉ học thôi”.
Nói xong, Nga và nhóm bạn cùng lớp ngồi tính nhẩm xem 6 năm “ăn bám” bố mẹ tốn kém bao nhiêu rồi cả bọn la ầm lên trước con số quá lớn… 120 triệu!
Học phí theo khu vực Theo đề án học phí mới, sinh viên các tỉnh thành như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ninh... sẽ phải đóng mức học phí cao nhất. Các tỉnh vùng Tây Bắc, một số tỉnh vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Tây nguyên sẽ có mức học phí thấp nhất, trong đó có những tỉnh HSSV không phải đóng hoặc đóng học phí không đáng kể, đồng thời còn được hỗ trợ học bổng, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập để đi học. |
Sinh viên 2 trường này chia sẻ, ngành Y Dược là ngành học tương đối áp lực, thời gian học nhiều, thực hành nhiều, chi phí nhiều nên hầu như rất ít sinh viên có thể dành thời gian đi làm thêm như một số trường khác. Vì thế việc đỡ đần cho các phụ huynh là không thể, việc kiếm tiền để đóng số tiền học phí hàng tháng là điều “xa xỉ” đối với các bạn.
Đinh Văn Hưng, sinh viên năm thứ 2 lớp Y2E trường ĐH Y Hà Nội phân tích đầy vẻ nghiêm túc: “Bao giờ người ta cũng đọc liền là Giáo dục - Quốc phòng - Y tế. Hai lĩnh vực trước thì sinh viên được ưu ái hết mức, còn y tế nếu không có hỗ trợ cho sinh viên thì cũng đừng “đè” thêm một gánh nặng cho chúng em chứ?”.
Vũ Thế Bình, lớp A7K62 (ĐH Dược Hà Nội) - trai Hà Thành chính gốc với bộ dạng “con nhà giàu”, tưởng như việc tăng học phí không “sờ gáy” bạn thế mà hỏi, Bình cũng thành thật: “Tăng học phí kiểu này thì suốt ngày phụ huynh càu nhàu về tiền chứ sung sướng gì. Rồi mọi thứ trong sinh hoạt lại “thu hẹp” để dành tiền đóng học phí. Mà ngành dược rất độc hại vì tiếp xúc với hoá chất, không đảm bảo sức khoẻ thì không học được. Em ở Hà Nội còn đỡ chứ lớp đa phần tỉnh lẻ lại rất nhiều bạn sinh viên nhà khó khăn thì chẳng biết có theo học được nữa không”.
Những sinh viên mới vào trường, đang học những năm đầu thì “méo mặt” với khung tăng học phí cao, còn những sinh viên năm cuối, đang ôn thi tốt nghiệp thì… mừng rỡ ra mặt. Sinh viên Lâm Thị Hòa (A1K59 ĐH Dược) thản nhiên: “Nói thật là cao quá, nhưng mà may quá, mình chuẩn bị ra trường rồi nên chắc thoát… nạn”.
Thầy Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết: "Nguyên nhân khối ngành Y Dược thuộc khung học phí cao nhất là bởi đặc thù ngành nghề, chi phí đào tạo rất tốn kém… Việc đầu tư cho sinh viên về máy móc, thiết bị, các động vật thí nghiệm, hoá chất, các phòng thực nghiệm là rất lớn. Vì thế việc tăng học phí ở khung cao nhất là tất yếu". |
Hỏi về nguyện vọng, mong muốn thì phần lớn sinh viên ngành Y Dược đều đồng ý tăng học phí để hy vọng nâng cao chất lượng giáo dục, chi phí cho đào tạo của trường được đảm bảo nhưng hầu hết đều mong chỉ tăng ở mức 250-300.000 đồng/tháng thôi và tăng học phí cần phải song hành với việc tăng hỗ trợ cho sinh viên.
Nhắc đến vấn đề “khó khăn của sinh viên”, thầy Nguyễn Viết Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Dược trao đổi: “Tăng học phí cao là hợp lý đối với trường có chi phí đào tạo như chúng tôi, nhưng cần tăng những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên như: tăng số tiền vay ngân sách, tăng chỉ tiêu học bổng… để các em sinh viên nghèo có thể theo kịp”.
Dự kiến khung học phí ĐH và các nhóm ngành đào tạo đại trà từ nay đến 2012:
|
Hà Vân