Quảng Ngãi:
“Sinh nghề tử nghiệp” ở mái nhà Hoàng Sa
(Dân trí) - Nhắc đến Hoàng Sa, ngư dân Quảng Ngãi luôn tự hào và thể hiện ý chí quyết “sinh nghề tử nghiệp” ở vùng biển Hoàng Sa.
Thể xác trấn giữ Hoàng Sa
Trước lời hiệu triệu bảo vệ từng tất đất và bờ cõi của tổ quốc, Đội hùng binh Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi) vâng lệnh triều đình, giong buồm ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Vì nhiệm vụ thiêng liêng trấn giữ bờ cõi, thể xác những hùng binh đã nằm lại ở Hoàng Sa vĩnh viễn.Những chiếc thuyền câu mà Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa giong thuyền ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ.
Theo bước tổ tiên, thế hệ ngư dân Quảng Ngãi hôm nay, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn, luôn luôn bám biển ở Hoàng Sa, cho dù bão tố và “người làng giềng” đoe dọa đến tính mạng. Với tinh thần bền bĩ đó, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đi theo bậc tiền hiền ở Hoàng Sa.
Mới đây nhất, 6 ngư dân Lý Sơn đã lặng lẽ ra đi cùng tổ tiên, mãi mãi từ biệt mái ấm gia đình cùng quê hương. Vào năm 2011, trên chiếc tàu cá QNg 66192-TS do ngư dân Lê Minh Tân (SN 1960) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân khác tử nạn ở Hoàng Sa.
Chị Ngô Thị Việt (46 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn) – vợ thuyền trưởng Lê Minh Tân - tâm sự: “Mỗi chuyến biển ra Hoàng Sa, mẹ con tôi đều ngóng chờ trong bất an, bởi anh bị nạn nhiều lần. Đến chuyến biển cuối cùng năm 2011, tôi đã khóc cạn nước mắt khi anh vĩnh viễn không trở về lần nữa. Ngày còn sống, anh hay nói với tôi rằng: “Từ tổ tiên đến thế hệ mình, sống nhờ Hoàng Sa và có chết cũng chết ở Hoàng Sa thôi”. Anh đã nằm lại ở Hoàng Sa thật rồi”.
Theo chị Việt, tàu cá của ngư dân Lê Minh Tân đã bị phía Trung Quốc lấy tàu 1 lần, đâm chìm 1 lần, lần nữa bị bắt giữ đòi tiền chuộc và mất tàu, rồi bị bắn xuýt mất mạng ngay trên vùng biển Hoàng Sa. Mặc dù gặp “tai họa” liên tục, thuyền trưởng Lê Minh Tân cùng ngư dân Lý Sơn vẫn dũng cảm, gan dạ với ý chí kiên cường tiếp tục bám biển Hoàng Sa.Những người vợ khóc cạn nước mắt bên ngôi mộ gió (không có xác) của chồng nằm lại ở Hoàng Sa.
Cũng trên chuyến tàu cá QNg 66192-TS định mệnh ngày đó, ngư dân Trần Văn Lành (SN 1967) bỏ lại 3 con thơ cùng vợ là chị Trương Thị Hoa. Xót xa hơn, chị Trương Thị Hoa khóc đẫm nước mắt khi 3 người thân cùng tử nạn ở Hoàng Sa. Ngoài chồng là ngư dân Trần Văn Lành, còn có ngư dân Nguyễn Hoàng (SN 1962, là cậu ruột) và Trương Văn Tiến (SN 1975, em ruột chị Hoa).
Nhìn lên bàn thờ chồng, chị Lê Thị San – vợ ngư dân Nguyễn Hoàng, bày tỏ: “Chồng tôi đã ra đi ở Hoàng Sa, gia đình tôi đã mất người trụ cột, cuộc sống vô cùng khó khăn khi 3 con đang khôn lớn. Với lời dạy của cha ông, tôi lại ngậm đắng nuốt cay để đứa con trai út 24 tuổi, nối nghiệp cha nó đi biển ở Hoàng Sa. Tôi chỉ biết thắp hương xin anh phù hộ cho con, rồi cầu trời phù hộ thôi”.
Đáng khâm phục hơn là hình ảnh ngư dân Nguyễn Đảng ở tuổi 70 vẫn bám biển vì nhớ Hoàng Sa. Cả cuộc đời của lão ngư Nguyễn Đảng, ông đã trải qua nhiều lần bị phía Trung Quốc hành hạ, điều đó vẫn không làm ông chùn bước, bởi Hoàng Sa đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi ngư dân Lý Sơn.
Trong số 6 ngư dân tử nạn ở Hoàng Sa, ông Nguyễn Đảng là ngư dân cao tuổi nhất, còn ngư dân Hồ Văn Lâm (SN 1992) vĩnh viễn nằm lại Hoàng Sa ở tuổi 19. Ngoài việc hành nghề khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế thì ngư dân Quảng Ngãi còn thực hiện trách nhiệm bảo vệ tổ quốc ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
“Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”
Hành động tấn công ngư dân Việt Nam ngay tại Hoàng Sa, đã và đang là nỗi bức xúc của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Cơn giận chưa nguôi thì phía Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, lại càng khiến nhân dân Việt Nam và thế giới căm phẫn tột cùng.Lên đường bám biển quê hương, với lời gọi "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".
Ngư dân Trần Văn Hùng – chủ tàu cá QNg 90243-TS, công suất 300CV (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - bức xúc: “Khi đi qua khu vực giàn khoan phi pháp, tàu tôi bị bọn Trung Quốc rượt đuổi, uy hiếp ngay trên lãnh hải của đất nước mình, tôi bực lắm. Lần này, tôi nâng công suất lên 400CV để rượt đuổi lại tàu cá của chúng nó”.
Ngư dân Huỳnh Quang Vũ (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là chủ tàu QNg 90133-TS, với 25 năm bám biển Hoàng Sa, khẳng định: “Hà cớ gì mình sợ bọn Tàu chứ. Ngày xưa, chúng nó (Trung Quốc) xâm lược nhiều lần, đất nước ta đều đập tan âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nước mình. Kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan, mỗi ngư dân chúng tôi sẽ là một chiến sĩ...”.
Rửa lưới chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo.
Tại các điểm neo đậu tàu thuyền, công tác chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết vừa đánh bắt hải sản, vừa “đánh giặc” ngoại xâm ở tiền phương càng thêm sôi nổi. Trên các chiếc tàu cá, ngư dân treo khẩu hiệu như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Tất cả vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”,…
Các khẩu hiệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
“Tổ tiên mình đã hy sinh để bảo vệ lãnh hải của tổ quốc, thế hệ hôm nay sao có thể chùn bước?”, tinh thần sẵn sàng của ngư dân Hà Minh Trọng (ngụ thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn) – chủ tàu cá QNg 96237-TS.