1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sinh kế cho người mất đất - trách nhiệm hay ban ơn?

(Dân trí) - “Lâu nay, việc bảo đảm sinh kế cho người dân bị thu hồi đất thường bị xem nhẹ. Luật sửa đổi cũng chỉ dừng ở việc “hỗ trợ” tổ chức lại đời sống, không ràng buộc trách nhiệm. Mà hỗ trợ cũng có thể hiểu là sự ban ơn” - ĐBQH phân tích.

Hôm nay 19/11, Quốc hội dành trọn 1 ngày làm việc để thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp để người dân cả nước theo dõi.

Người bị thu hồi đất giống như bị... kỷ luật!
 
Sinh kế cho người mất đất - trách nhiệm hay ban ơn?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: "Làm sao để sau khi bị thu hồi đất, người dân không bị nghèo hơn" (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị xem xét lại kỹ lưỡng quy định về cơ chế thu hồi đất. Ông Vinh nêu thực tế những năm vừa qua, nhà nước đã thu hồi quá nhiều đất cho những dự án thương mại kiểu làm sân golf, resort, khu công nghiệp… rồi để quây rào để đấy, lãng phí đất đai tài nguyên chỉ vì quy định về việc thu hồi đất quá mở, quá rộng.

Đại biểu nhấn mạnh đề xuất, chỉ quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và lợi ích công cộng. Các trường hợp dự án kinh doanh, đầu tư khu công nghiệp, dự án 100% vốn nước ngoài… cần triệt để áp dụng nguyên tắc trưng mua, trưng dụng.

Xung quanh việc bồi thường thu hồi đất, ông Vinh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trả lời câu hỏi là cuộc sống của người bị thu hồi đất ra sao khi đất, nhà bị thu hồi, giải phóng. “Phải tính toán tái định cư sao để đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà trở thành không có nhà trong khi vẫn cam kết người dân sẽ có chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ” - ông Vinh nói.

Đại biểu Hải Phòng dẫn chứng chuyện 1 hộ gia đình 4 người ở căn nhà tập thể hơn 40m2, khi bị giải tỏa được bồi thường khoảng 400 triệu đồng và 1 mảnh đất gần 100m2 nhưng phải nộp thêm 300 triệu. Ông Vinh đặt câu hỏi, gia đình này sẽ lấy đâu tiền xây nhà. Theo đó, có 2 tình huống lựa chọn cho gia đình bị mất nhà là vay thêm tiền để xây nhà trên đất mới được phân hoặc “bán lúa non” để tìm một khu nhà đất nào đó điều kiện kém hơn. Cuộc sống sau khi bị thu hồi đất như vậy, theo ông Vinh, không thể nói là hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng tán thành quan điểm cần cân nhắc kỹ các quy định về cơ chế thu hồi đất. “Vừa qua, chúng ta thu hồi đất bằng các quyết địn hành chính giống như 1 hình thức kỷ luật với người bị thu hồi trong khi người bị thu hồi đất không có lỗi gì” – ông Thành nhận xét.

Ông Thành cũng cho rằng nên áp dụng bằng cơ chế trưng mua. Ngoài ra, với các dự án kinh tế, nên áp dụng cơ chế thỏa thuận, để nhà đầu tư và người dân cùng thực hiện thỏa thuận, kể cả việc cho mượn, cho thuê hay góp vốn bằng các thủ tục hành chính. Riêng đất nông nghiệp, khi nhà nước trưng mua, trưng dụng thì nên bồi thường thỏa đáng cho dân.

Ông Thành gợi ý áp dụng hình thức chuyển thành cổ phiếu cho người dân khi họ không còn đất để sản xuất.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) lại không tán thành hướng trưng mua, trưng thu mà nhà nước nên thành lập một tổ chức đứng ra thu mua để phục vụ mục đích an ninh quốc phòng. Ông Tiếp cũng đề nghị bỏ quy định để nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân để tránh… lắt léo.

Về việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, ông Tiếp nhấn mạnh quan điểm xử lý với trường hợp dự án chưa có nhà tái định cư, nhất định không được thu hồi đất để tránh tình trạng “đất thì muốn thu hồi luôn nhưng chỗ ở của dân thì cứ treo mãi”. Ông Tiếp cho rằng đây chính là vấn đề gây bức xúc cho dân thời gian qua.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) lại cho rằng, trong vấn đề tái định cư, tiền bồi thường, đền bù không phải quan trọng nhất mà là công ăn việc làm. Đây vẫn là vấn đề gây băn khoăn nhất cho người dân. Với các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt khai khoáng, đại biểu cho rằng cần đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích với dự án. Buộc phải lập tổ chức quan hệ cộng đồng để nghiên cứu tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân hoặc ít nhất cho cộng đồng dân cư của khu vực chịu tác động của dự án. Như vậy sẽ có hướng tổ chức công ăn việc làm cho người dân ở vùng bị mất đất.

Bồi thường hay là ban ơn?
Đại biểu Lê Trọng Sang đã từng nêu nhiều kiến nghị sửa luật Đất đai tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Lê Trọng Sang đã từng nêu nhiều kiến nghị sửa luật Đất đai tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) lập luận nút thắt trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai là giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và sinh kế cho người dân. Để cởi nút thắt này, ông Sang nêu nhiều khía cạnh.

Về nguyên tắc bồi thường, phải xác định việc thu hồi đất có liên quan chặt chẽ đến nguồn tài sản và nguồn sinh kế của dân nên bồi thường phải bảo tồn mức tài sản và nguồn sinh kế tương đương. Theo nguyên tắc này, giá trị bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất ngang bằng với giá mảnh đất và giá trị các tài sản gắn liền với đất hoặc ngang bằng với giá trị các điều kiện bảo đảm nguồn sinh kế tương đương. Như vậy, trong nhiều trường hợp, giá đất chỉ là một phần trong toàn bộ giá trị đền bù cho người dân.

Ông Sang lấy ví dụ, người bị thu hồi đất thổ cư, tức phần đất trên đó có nhà để ở và là nơi tạo ra sinh kế cho người dân thì giá trị bồi thường phải bằng với giá mua lại một mảnh đất và có nhà trên đó tương đương, kể cả về các điều kiện sinh kế và các chi phí liên quan đến sự chuyển đổi vị trí. Trong trường hợp này, giá trị bồi thường có thể phải cao hơn giá thị trường để mua lại quyền sử dụng khu đất đó.

“Lâu nay, trong chính sách bồi thường, việc bảo đảm sinh kế cho người dân bị thu hồi đất thường bị xem nhẹ. Ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng chỉ dừng ở mức xem xét, hỗ trợ người bị thu hồi đất tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống. Quy định như vậy vừa không ràng buộc trách nhiệm, vừa thiếu cụ thể trong việc bảo đảm sinh kế của người bị thu hồi đất vì vẫn chỉ coi đó là khoản hỗ trợ được xem xét. Mà hỗ trợ cũng có thể hiểu là sự ban ơn, có thể có, có thể không, có thể có nhiều mà cũng có thể có ít” – ông Sang phân tích.

Về phương pháp định giá đất, ông Sang chỉ ra ngịch lý, giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường, nhưng trên thực tế bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 81 triệu đồng/m2 cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi giá chuyển nhượng trên thị trường là vài trăm triệu đồng/m2.

Đại biểu cảnh báo: “Sự chênh lệch ấy cho thấy nhà nước đã thất thu và tạo ra cảm nhận cho người bị thu hồi đất là một sự thiệt thòi quá mức”. Nhận định đây là nguyên nhân người dân phản ứng, khiếu kiện, ông Sang còn cho rằng đây là nguồn của quốc nạn tham nhũng do khái niệm mơ hồ “sát giá thị trường”.

Dự thảo luật đổi từ “sát giá” thành “phù hợp giá” thị trường, ông Sang nhấn mạnh sẽ không sáng sủa hơn. Vấn đề phải xác định là giá thị trường tại thời điểm nào. Ông Sang kiến nghị quy định mỗi địa phương niêm yết công khai giá mua bán mỗi thửa đất trên địa bàn hàng năm để làm căn cứ đối chiếu, xác định giá đền bù đất tại thời điểm cụ thể.

Ngoải ra, giá này cần được cập nhật cho đến lúc công bố quyết định thu hồi chính thức. Chênh lệch giữa giá thị trường trong điều kiện bình thường và giá thị trường mới sau quy hoạch chính là địa tô phát sinh. Kiểm soát để nguồn địa tô này được thu hồi cho ngân sách nhà nước, tránh để rơi vào túi cá nhân, đại biểu quả quyết, người dân sẽ đồng thuận.

P.Thảo