1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Siết nhập cư dễ phát sinh tiêu cực “chạy” hộ khẩu

(Dân trí) - Cơ quan quản lý khẩn khoản xin siết nhập cư vì quá tải, áp lực tội phạm. Các chuyên gia lại cảnh báo sẽ phát sinh tiêu cực “chạy” hộ khẩu. Có đại biểu còn lo ngại đó là bước lùi trong quản lý…

Siết nhập cư dễ phát sinh tiêu cực “chạy” hộ khẩu
Đại tá Nguyễn Đức Chung - GĐ Công an Hà Nội trao đổi thêm với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong giờ nghỉ.
 
35% tội phạm do dân… nhập cư
 
Tranh luận về Luật Thủ đô tại Quốc hội hôm nay, 5/11, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành phân tích điều tiết dân cư phải bằng các giải pháp kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông Thi phân tích thêm, trong hoàn cảnh thủ đô còn rất hạn chế và khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện sinh sống, quản lý… thì áp dụng bổ sung những biện pháp mang tính chất hành chính cũng rất cần thiết.

Ông Thi gật đầu với đề xuất siết điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành Hà Nội với yêu cầu về chỗ ở ổn định 3 năm tại địa điểm đăng ký nhập khẩu. Điều kiện nhà thuê phải đạt diện tích tối thiểu 5m2/đầu người theo ông Thi là hợp lý để đảm bảo mức sống, tiêu chuẩn văn minh đô thị và cũng là giải pháp chống “lách luật” trong việc chứng minh các điều kiện khi nhập khẩu.

Giám đốc Công an Hà Nội, đại tá Nguyễn Đức Chung, nhất trí với quy định nâng điều kiện nhập cư để hạn chế việc tăng cơ học số dân vào các quận nội thành.

Thực tế, sau 5 năm ban hành luật Cư trú, số dân “chảy” về Hà Nội tăng nhanh. Hiện thành phố đã có 7,1 triệu nhân khẩu và gần 1 triệu dân tạm trú. Theo quy hoạch chung Hà Nội do Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ lên mức 9-10 triệu người. Nhưng với tốc độ tăng như hiện nay, ông Chung ước tính, chỉ đến 2020, thành phố đã có khoảng 13-14 triệu dân. Mật độ dân ở quận Đống Đa, Hai Bà Trưng gấp đến 8-9 lần mật bộ dân tại TPHCM.

“Sự quá tải trong quản lý dân cư làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, các dịch vụ của người dân sẽ phải trả chi phí cao hơn lại gây áp lực cho chính quyền trong quản lý. Thành phố cũng đang rất khó trong việc cố giảm các áp lực về ùn tắc giao thông tại các quận nội thành” – ông Chung than.

Đứng ở góc độ ngành mình, đại tá Chung thông tin, 5 năm qua tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh. Theo thống kê có từ 35-37% các loại tội phạm do các đối tượng ở các tỉnh ngoại thành đến gây án.

Việc quy định chặt chẽ này, vì thế, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định không trái luật Cư trú mà lại rất cần thiết.

Không phản đối đề xuất siết nhập cư nhưng đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng bày tỏ nhiều băn khoăn cho rằng cần thêm những giải pháp khác để hướng sự cư trú của người dân ra ngoại thành - không gian rộng lớn còn lại của Hà Nội.

“Chúng ta chỉ có thể đấu tranh chống tiêu cực bằng cách chúng ta xây dựng những điều tích cực hơn. Người dân thì có một nguyên lý rất đơn giản "đất lành chim đậu", nếu nơi khác cũng tốt thì không phải ai ai cũng muốn co cụm lại trong nội thành với cuộc sống rất nhiều áp lực, khó khăn như này” – ông Quốc nhận định.
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Siết nhập cư, dân số sẽ tăng do kết hôn... giả?.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Siết nhập cư, dân số sẽ tăng do kết hôn... giả?".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhìn nhận ở khía cạnh khác. Theo đó, với quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đăng ký hộ khẩu, số người nhập cư do quan hệ huyết thống, hôn nhân sẽ dễ dàng hơn những trường hợp có nhu cầu chính đáng. Dân số nội đô sẽ tăng do quan hệ huyết thống hay hôn nhân, có thể thật và giả. Ông Nghĩa cảnh báo sẽ có hiện tượng làm giả hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà để tìm cách nhập khẩu vào thủ đô. Tiêu cực trong việc nhập khẩu sẽ tăng lên.

“Quan trọng hơn là xóa bỏ sự khác biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu để thủ đô có điều kiện thu hút nguồn nhân lực cao cấp, khách du lịch nước ngoài” – ông Nghĩa đồng tình với việc xây dựng rào cản kỹ thuật để điều tiết người nhập cư vào nội đô phải theo cách thức khác.

Theo đó, ông Nghĩa kiến nghị nâng các yêu cầu ràng buộc với người thủ đô như quy định về chỗ ở với tiêu chuẩn nhất định, xử lý nghiêm những trường hợp sống lang thang, làm mất thể diện thành phố…

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cảnh báo dùng biện pháp hành chính sẽ không hiệu quả, có thể giảm số lượng người đăng ký nhập khẩu mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ. Hệ lụy có thể là phát sinh tiêu cực, “chạy” điều kiện nhập cư. Trong khi đó, số dân cư “không chính thức” sẽ phải đối mặt với các bất lợi về việc làm, thu nhập, về quyền được hưởng các phúc lợi xã hội khác do không có hộ khẩu tại thủ đô.

“Nước luôn chảy vào chỗ trũng. Nếu không chảy bằng đường chính thì sẽ chảy bằng các đường mạch mương, mạch ngầm và công sức để rò tìm và ngăn chặn các mạch sẽ khó khăn hơn nhiều việc quản lý” – ông Tâm kết lại.

Tăng phí, người giàu vẫn mua xe, người nghèo thêm gánh nặng

Đứng trên quan điểm đối lập, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, lý lẽ đưa ra về việc cần thiết thắt điều kiện nhập cư không đủ sức thuyết phúc, cũng không thể giải quyết, giúp giãn mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội.
 
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Đường sá không tốt, phố thành sông... không đáng được tăng phí.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: "Đường sá không tốt, phố thành sông... không đáng được tăng phí".

Ông Nhân đặt câu hỏi, sao nói môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân vẫn thích kéo về thủ đô? Chung cư cao ốc, văn phòng, nhà máy vẫn mọc lên ở nội thành? “Dân “tứ xứ” vẫn đổ về chứng tỏ thủ đô vẫn còn cần họ và Hà Nội vẫn hấp dẫn người ta” - ông Nhân cho rằng “lỗi” nằm ở vấn đề quy hoạch, không xem lại các chính sách thì chưa khắc phục được vấn đề này.

Ngoài ra, với nội dung đề xuất thu phí giao thông đối với người dân nội thành cao hơn khu vực ngoại thành cũng như việc xử phạt vi phạm hành chính mới mức cao hơn gấp đôi (trong một số lĩnh vực), ông Nhân phán đoán có thể là biện pháp chế tài cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm nhưng không phải là giải pháp tối ưu.

Đại biểu cho rằng không nên tạo nên sự chênh lệch này vì thu nhập tiền lương của đại đa số người dân và công chức không tăng, thậm chí ngày càng khó khăn, khó đủ sức để trang trải các khoản chi phí này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thậm chí cho rằng, việc siết nhập cư sẽ là một bước lùi trong công tác quản lý quy hoạch vì đi ngược lại quan điểm “gỡ” vướng thủ tục, đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân.

Ông Vinh cũng phản bác đề xuất tăng mức thu phí để hạn chế phương tiện tham gia giao thông vì các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện đều nằm trong nội thành, người dân buộc phải đến những nơi này để học tập, công tác và chữa bệnh.

Hơn nữa, việc tăng phí là bất hợp lý, không đúng bản chất của “phí” (phải trả khi được cung cấp dịch vụ). Trong điều kiện dịch vụ giao thông của Hà Nội chưa tốt, đường sá xuống cấp, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, phố thành sông mỗi khi mưa xuống, ông Vinh cho rằng không nên quy định cho Hà Nội được đặc quyền thu phí cao hơn.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cũng cho rằng, tăng phí để giảm ùn tắc sẽ ảnh hưởng người nghèo vì dù có đánh phí, họ cũng buộc phải mua sắm xe máy, phương tiện cá nhân - công cụ cứu cánh cho cuộc sống của họ. Như thế, chủ trương vô tình tạo gánh nặng đè lên vai những người có thu nhập thấp, còn người có thu nhập cao, thu thêm đến 5-10 triệu đồng tiền phí cũng không là vấn đề gì lớn.

“Trong khi đó thực tế tăng phí giao thông lên gấp 2 lần thì phương tiện giao thông vẫn không giảm. Người giàu, thu nhập cao, nếu cần xe sẽ vẫn mua. Còn người khổ, người nghèo, người thu nhập thấp cũng buộc phải mua vì mưu sinh, chỉ là thêm gánh nặng” - ông Lai lý giải việc không nên quy định tăng phí trong luật.

Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm