Sẽ tịch thu vĩnh viễn bằng lái của tài xế gây tai nạn nghiêm trọng
(Dân trí) - Sẽ siết chặt công tác đào tạo và sát hạch, cấp GPLX; đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: Không dừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt; thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Các thông tin trên được ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 ngành GTVT, diễn ra sáng nay (11/1).
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018, chỉ có 2 chỉ tiêu số vụ và số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm được theo mục tiêu, chỉ tiêu số người chết giảm chỉ 0,4% - không đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2018, trên toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ TNGT, làm chết hơn 8.200 người, bị thương hơn 14.800 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ, số người chết giảm 33 người, số người bị thương giảm 2.238 người.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong năm 2019 sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX ). “Sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: không đừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt; thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để ra tai nạn nghiêm trọng.” - ông Thể khẳng định.
Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX đảm bảo an toàn giao thông. Đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp GPLX .
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mục tiêu của đề án nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe; phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.
Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn.
Vụ TNGT vô cùng nghiêm trọng tại Long An do xe container gây ra mới đây
Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Công an chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần rất lớn trong việc tăng cường quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, sau 10 năm áp dụng, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội và sự phát triển của giao thông thì đến nay có những nội dung không còn phù hợp. Cục CSGT đang nghiên cứu tiến tới đề xuất Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.
Luật mới sẽ tách riêng 2 phần trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là An toàn giao thông và phát triển giao thông. Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định cụ thể về hành vi bị cấm đối với người tham gia giao thông, thẩm quyền cưỡng chế của lực lượng thi hành công vụ…
Riêng về quản lý về người điều khiển phương tiện, Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình cho rằng công tác đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cần được thực hiện bởi 2 đơn vị độc lập (hiện nay do Bộ GTVT triển khai đào tạo và cấp GPLX - PV) để đảm bảo công khai minh bạch và đánh giá chính xác nhất về chất lượng đào tạo lái xe. Ở các nước cơ quan CSGT thực hiện sát hạch và cấp GPLX.
Châu Như Quỳnh