1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ thu hồi xe "hết đát" như thế nào?

(Dân trí) - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng khẳng định không có chuyện sản phẩm điện tử, xe máy hết hạn sử dụng, hết đát là bắt buộc phải thu hồi. Nếu như những chiếc xe máy dù đã rất cũ nhưng vẫn hoạt động tốt thì người dân vẫn có quyền sử dụng.

Ông Hoàng Dương Tùng (Ảnh: Thế Kha).
Ông Hoàng Dương Tùng (Ảnh: Thế Kha).

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 28/5, ông Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết đang có những cách hiểu chưa đúng xung quanh Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.

Phóng viên: Theo Quyết định 16 thì sản phẩm "hết đát" như xe máy, máy tính bảng... có bắt buộc phải nộp lại, bị thu hồi không thưa ông?

Ông Hoàng Dương Tùng: Không có chuyện sản phẩm điện tử, xe máy hết hạn sử dụng, "hết đát" là bắt buộc phải thu hồi ngay. Nếu như những chiếc xe máy dù đã cũ lắm rồi nhưng vẫn hoạt động tốt thì người dân vẫn có quyền sử dụng, đi lại bình thường, không ai bắt buộc họ phải giao nộp lại sản phẩm đó. Cũng không có cơ quan nhà nước nào đi thu hồi sản phẩm đó cả.

Tinh thần của Quyết định 16 là khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất chịu trách nhiệm tới cùng đối với sản phẩm của mình. Tức là họ sản xuất, phân phối  thì nên có trách nhiệm thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ để có cách xử lý thích hợp sau đó, vì hơn ai hết họ biết rõ những bộ phận nào của sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng được, những bộ phận nào có thể nguy hại đối với môi trường và xử lý thế nào là tốt nhất. Đó thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

Nhà sản xuất lập các điểm thu hồi và thiết lập các cơ chế phù hợp về kinh tế, vận chuyển,… để làm sao khi người dân không có nhu cầu sử dụng sản phẩm nữa, muốn thải bỏ thì có thể tìm tới đó như một địa chỉ tốt, có lợi cho mình, thay vì bán cho những người thu mua đồng nát, sắt vụn như hiện nay.

Tất cả các sản phẩm khác cũng vậy. Như chúng ta thấy hiện nay, những bà đồng nát vẫn thu mua ắc quy rồi bán về các làng nghề tái chế. Việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề đó như thế nào thì phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan khác nhau nữa.

Những chiếc xe dù rất cũ nhưng vẫn hoạt động tốt thì không ai bắt dân phải giao nộp (Ảnh minh họa)
Những chiếc xe dù rất cũ nhưng vẫn hoạt động tốt thì không ai bắt dân phải giao nộp (Ảnh minh họa)

Quyết định số 16 có bắt buộc các nhà sản xuất phải thành lập các điểm thu hồi sản phẩm "hết đát" hay không? Nếu nhà sản xuất không lập các điểm thu hồi thì chế tài xử lý thế nào?

Không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các nhà sản xuất thực hiện việc này thôi. Hiện nay tại Việt Nam đã có một số nhà sản xuất như Apple, HP đã và đang cùng các hãng điện tử khác chuẩn bị để thực hiện việc này rồi.

Như vậy để xử lý các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng đã và đang từng bước gây nguy hại tới môi trường phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị khác nhau?

Đúng như thế. Chỉ một quyết định này sẽ không thể giải quyết được tất cả vấn đề  mà phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, phối hợp trong xử lý thì mới mang lại hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!


Nếu nhà sản xuất từ chối tiếp nhận, hãy phản ánh tới Bộ Tài nguyên và Môi trường!

Theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bắt đầu từ 1/7/2016, cơ quan chức năng sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Cũng từ thời điểm này, cơ quan chức năng sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính (để bàn, xách tay); màn hình máy vi tính, CPU (bộ vi xử lý của máy tính), máy in, máy fax, máy quét hình (scanner), máy chụp ảnh, máy quay phim, máy điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa DVD, VCD, CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt. Với phương tiện giao thông là xe môtô, xe gắn máy các loại, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ 1/1/2018.

Quyết định nêu rõ, nếu nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm bỏ thải, người tiêu dùng, tổ chức thu gom và phân phối có quyền báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và quy chuẩn môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện. Đồng thời chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm bỏ thải và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm bỏ thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ có trách nhiệm thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; công bố các điểm thu hồi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường theo quy định; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động  thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu...


Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm