Sẽ tạo con rồng dài 2km tại đường Bưởi
(Dân trí) - “Chúng tôi tin vào ý tưởng này. Còn đương nhiên một tác phẩm dù hay đến mấy cũng rất khó 100% người xem cùng thích”, KTS Hoàng Thúc Hào - văn phòng kiến trúc 1 + 1 > 2 - nói về đề xuất làm đẹp đoạn đường Bưởi (Hà Nội).
Có rất nhiều nơi mang dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa, nhưng tại sao anh không nhắm vào mà lại có ý tưởng dựng lên "bức tường thành" với đá ong, gạch vồ, các bức phù điêu tại con đường Bưởi?
Xưa nay thường ta chỉ nghĩ đến Hoàng Thành (khu vực vòng trong của kinh thành) mà ít ai để ý vòng ngoài. Vợ chồng chị Hạ Chí Nhân đã trao đổi với chúng tôi nhiều lần về mong muốn chỉnh trang tuyến đường kinh thành Thăng Long (vòng ngoài) - dấu vết ranh giới của kinh thành cổ ngày xưa, nay là các phố như Trần Khát Chân, Hoàng Hoa Thám, Đại Cồ Việt, Yên Phụ… cùng 16 cửa ô. Rất tiếc hiện chúng ta chỉ còn lại Ô Quan Chưởng, các nơi khác đã thành ngã tư, ngã 5 cả.
Cũng với nhịp chuyển động đó, nếu nhìn từ bên kia sông, bức “tường thành” cứ lô xô giống những mái nhà phố cổ. Độ giật tường như vậy đa nghĩa, có tính chất gợi. 2km đường Bưởi đoạn cắt Hoàng Quốc Việt tới Cầu Giấy uốn lượn tựa con rồng, anh Cường, thành viên nhóm thích ví là “thắt lưng xanh” hơn...
Nhưng tại sao anh chọn chất liệu là đá ong, gạch vồ?
Ngày xưa tường thành làm chủ yếu bằng gạch vồ. Vùng Sơn Tây dùng đá ong tại chỗ, thành nhà Hồ ở Thanh Hoá xây đá xanh tự nhiên… Chúng tôi tổng hợp lại để có cơ sở dữ liệu. Đó không phải cái thành mà là 1 thiết kế đô thị gợi hình ảnh tường thành, vảy rồng, mái phố..., có nội dung lịch sử, ký ức biểu đạt qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Như phác hoạ của anh con đường Bưởi sẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều, nhưng đoạn đường này đẹp như vậy sẽ tạo tương phản với sông Tô Lịch ô nhiễm, xấu xí nằm sát bên?
Tôi không nghĩ vậy. Tất nhiên lý tưởng là giải pháp đồng bộ, nhưng bao giờ... Mình cứ làm thật tốt cái này đi rồi tính tiếp sông Tô Lịch. Chẳng lẽ người ta đi trên con đường lịch sử, lưu dấu nghìn năm, đứng đó thưởng thức một thiết kế đô thị rất văn hóa mà lại chịu chấp nhận dòng sông ô nhiễm như vậy. Hơn nữa, để một con sông sạch đẹp chủ yếu là chuyện kỹ thuật và tôi nghĩ, không hẳn quá khó.
Có không ít những công trình với thiện chí làm đẹp cho Hà Nội, nhưng khi triển khai đã bị “phê” rất mạnh. Anh có tính trước khả năng ấy với công trình của mình?
Thiết kế đô thị có những tiêu chí cụ thể đánh giá. Tiêu chí chung, cao nhất phải là thỏa mãn tính nhân văn của con người. Trường nhìn (trường thị giác) là một đặc điểm nhân văn. Con người chuyển động bằng phương tiện cơ giới với tốc độ 30 -60km/h, vậy phải làm sao trong chuyển động đó họ cảm nhận được cái thiết kế đô thị này.
Những tấm kè 10-20m lệch nhau cộng với hiệu quả ánh sáng và những vệt cây xanh sẽ tạo ra chuỗi hình ảnh lưu lại trên võng mạc người chuyển động ở tốc độ trên.
Trường hợp người đi bộ, đi dạo thì có thể chiêm ngưỡng tại những vị trí đắc địa những vệt lõm ngang dọc, những bức phù điêu ghi dấu kinh thành qua các triều đại...
Được biết, đề xuất này dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hoá. Vậy, việc tôn vinh các nhà tài trợ sẽ như thế nào để không bị “phô”?
Thành phố nếu tin cậy sẽ giao cho 1 đơn vị triển khai và nhà chuyên môn uy tín đóng vai tổng công trình sư. Họ tất nhiên phải có quyền quyết định về thẩm mỹ, bố cục, cấu trúc không gian của tác phẩm. Đồng thời ông Tổng công trình sư này phải được quyền quyết cả việc gắn tên nhà tài trợ sao cho tế nhị mà vẫn xứng đáng với sự tài trợ đó.
Phần tôn vinh nhà tài trợ cũng là một bộ phận hữu cơ trong tác phẩm, không thể quá phô trương, lố bịch. Tại sao cứ phải lộ ra mà không làm như một phù điêu gắn lõm vào, chẳng hạn.
Theo đề án của nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Hạ Chí Nhân - Công ty Kiến trúc 1+1>2, việc “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” sẽ được triển khai trên tuyến đường Bưởi dài chừng 2km. Đây là đoạn còn lại của tường thành Thăng Long cách đây hơn 1.000 năm, với phần đê cao từ 2-5m, chạy dọc theo sông Tô Lịch.
Nhóm KTS đưa ra giải pháp, sử dụng các vật liệu truyền thống như: gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên, “hoa bê tông” kết hợp với trồng hoa, cỏ giữa những mảng bê tông. Theo đó, tường thành sẽ được chia ra thành từng đoạn với chiều dài từ 10-20m, cao từ 2-5m, thiết kế lệch nhau để tạo nên khe rộng từ 0,6-1,2m. Theo phân tích của nhóm kiến trúc, mô hình kiến trúc này tạo tưởng tượng về những chiếc vảy rồng, hay dáng dấp của những mái ngói lô xô phố cổ. |
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)