1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ siết quản lý để hạn chế bán hàng đa cấp trá hình

(Dân trí) - Dự kiến đầu năm 2014 sẽ có Nghị định mới quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp.

Thông tin trên được ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương, cho biết tại hội thảo về ngành bán hàng đa cấp tổ chức tại Đà Nẵng hôm 22/11.

Sẽ siết quản lý để hạn chế bán hàng đa cấp trá hình

Cục trưởng Bạch Văn Mừng (bìa phải) cho rằng, với hơn 1 triệu thành viên, mô hình bán hàng đa cấp đang thu hút 1 lực lượng lao động lớn mạnh - không kém các ngành may mặc, da dày - vì thế sự tác động của nó vô cùng lớn nếu không được quản lý chặt chẽ

Theo ông Mừng, bán hàng trực tiếp/bán hàng đa cấp là mô hình kinh doanh tiên tiến, có mặt ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sai phạm của bán hàng đa cấp khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua là do nói quá về công dụng sản phẩm, thổi phồng quyền lợi người tham gia, giá bán cao vượt so với giá trị thực.

“Sự biến tướng còn ở chỗ nhiều đơn vị không phải công ty bán hàng đa cấp nhưng có kiểu bán hàng theo mô hình kim tự tháp. Vì thế, việc sửa đổi Nghị định 110 năm 2005 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp, đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến thông qua vào đầu năm 2014, sẽ siết chặt bán hàng đa cấp như nâng tiền ký quỹ, khống chế tỷ lệ hoa hồng, công ty bán hàng đa cấp phải chịu trách nhiệm khi người bán hàng vi phạm, không cấp phép trở lại đối với đơn vị vi phạm” - ông Mừng cho hay.

Vấn đề được quan tâm nhất tại buổi tọa đàm này chính là việc làm thế nào phân biệt giữa loại hình bán hàng đa cấp với mô hình kinh doanh kim tự tháp.

Về vấn đề này, ông Joseph N.Mariano, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng trực tiếp Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tuân thủ Đạo đức, Liên đoàn các Hiệp hội Bán hàng trực tiếp thế giới cho rằng: “Khác biệt cơ bản của bán hàng đa cấp chân chính với mô hình kim tự tháp là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch. Các công ty này có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng; chính sách hoa hồng hợp lý và không ép buộc thành viên bán được hàng bằng mọi giá. Trong khi đó, mô hình kim tự tháp chủ yếu xây dựng mạng lưới và khai thác từ chính các thành viên; Thực hiện quảng bá vô tội vạ và không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được chào bán…”

Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, đến nay cả nước có 96 công ty đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (trong đó 5 công ty đã bị rút giấy phép) với khoảng 1 triệu người tham gia. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 4.000 sản phẩm; doanh số đạt hơn 4.000 tỉ đồng.

Hiệp hội đang tăng cường cơ chế giám sát đối với các thành viên thông qua việc xây dựng “Bộ quy tắc đạo đức” dành cho cá nhân và tổ chức bán hàng đa cấp, nhằm khuyến khích các thông lệ kinh doanh chuẩn mực, thể hiện nỗ lực và quyết tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

H.Tâm