1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ quy định hành vi bị cấm trong Luật Trật tự An toàn giao thông

(Dân trí) - Luật mới sẽ tách riêng 2 phần trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là An toàn giao thông và phát triển giao thông. Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định cụ thể về hành vi bị cấm đối với người tham gia giao thông, thẩm quyền cưỡng chế của lực lượng thi hành công vụ…

Trao đổi với PV Dân trí sáng 10/1, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết, hiện nay các nước trên thế giới đều có Luật quy định riêng về an toàn giao thông đường bộ. Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần rất lớn trong việc tăng cường quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Tuy nhiên, sau 10 năm áp dụng, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội và sự phát triển của giao thông thì đến nay có những nội dung không còn phù hợp. Cục CSGT đang nghiên cứu tiến tới đề xuất Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Sẽ quy định hành vi bị cấm trong Luật Trật tự An toàn giao thông - Ảnh 1.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay, Luật mới sẽ tách riêng 2 phần trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là An toàn giao thông và phát triển giao thông. Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định cụ thể về hành vi bị cấm đối với người tham gia giao thông, thẩm quyền cưỡng chế của lực lượng thi hành công vụ…

Theo đó, trong Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ sẽ quy định cụ thể về hành vi bị cấm, quy tắc tham gia giao thông đường bộ, bổ sung nội dung quy định về tham gia giao thông trên đường bao tốc hiện đang còn thiếu hụt, quản lý phương tiện tham gia giao thông, quản lý về người điều khiển phương tiện, an toàn trong vận tải, xếp hàng hóa, trách nhiệm trong tổ chức giao thông… từng bước chuẩn hóa, đưa vào quy định của pháp luật.

Riêng về quản lý về người điều khiển phương tiện, Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình dẫn chứng về quy định của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Công tác đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) được thực hiện bởi 2 đơn vị độc lập, trong đó cơ quan CSGT thực hiện sát hạch và cấp GPLX.

“Quản lý GPLX phải là quản lý “động”. Trong quá trình sử dụng GPLX để lưu thông, người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về giao thông như thế nào, có vi phạm quy định hay không, phạm lỗi gì, thiếu hụt kiến thức và kỹ năng lái xe ra sao… thì CSGT nắm rõ nhất. Vì vậy, việc CSGT sát hạch và cấp GPLX sẽ giúp kết nối liên thông với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tiễn và đồng thời có sự phản hồi đầy đủ về chất lượng đào tạo lái xe.” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Sẽ quy định hành vi bị cấm trong Luật Trật tự An toàn giao thông - Ảnh 2.

Trong Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ sẽ quy định cụ thể những "hành vi bị cấm"

Ngoài ra, với dữ liệu dùng chung, CSGT sẽ kiểm soát được thông tin về người sử dụng GPLX, chấm dứt tình trạng tài xế “bỏ” GPLX bị tạm giữ trong quá trình xử lý vi phạm để xin cấp lại GPLX mới. Theo hệ thống thông tin điện tử, nội hàm quản lý người điều khiển phương tiện sẽ dễ hơn, rõ hơn, chất lượng quản lý cao hơn và công khai, minh bạch.

Cơ quan nghiên cứu Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng sẽ bổ sung thẩm quyền cưỡng chế khi thực thi nhiệm vụ của các lực lượng. Người thực thi nhiệm vụ được quyền làm những gì, thẩm quyền xử lý ra sao phải đầy đủ và rõ ràng. Quy định này trong Luật Giao thông đường bộ hiện nay vẫn còn chung chung và chưa đầy đủ.

Về hành vi chính, hành vi nguy hiểm dẫn tới tai nạn giao thông cũng sẽ có quy định cụ thể và chi tiết hơn. Lãnh đạo Cục CSGT dẫn chứng về Luật lệ An toàn giao thông tại Campuchia với các quy định đầy đủ hơn Việt Nam. Nước này quy định tới 51 hành vi bị trừ điểm bằng lái, trong đó hành vi trừ điểm cao nhất là lái xe vượt mức quy định, nồng độ cồn, lái xe liên quan đến tai nạn bỏ chạy, dùng bằng giả, biến số giả…

Sẽ quy định hành vi bị cấm trong Luật Trật tự An toàn giao thông - Ảnh 3.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều nội dung, quy định không còn phù hợp với thực tế giao thông hiện nay

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, trong Luật Giao thông hiện hành chưa quy định cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành khi xử lý vi phạm giao thông, vì vậy Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ sẽ được nghiên cứu, bổ sung.

Năm 2018, toàn quốc xảy ra 18.720 vụ TNGT, làm chết 8.244 người, bị thương 14.798 người. So với năm 2017, giảm 1.314 vụ, giảm 23 người chết, giảm 2.238 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản xử lý hơn 4 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.613 tỷ 587 triệu đồng.

Cũng trong năm 2018, tình hình chống lại CSGT khi thi hành nhiệm vụ tuy có giảm về số vụ nhưng tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn với 55 vụ, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 17 chiến sĩ bị thương, có 73 đối tượng bị bắt giữ.

Châu Như Quỳnh