1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Sẽ lập hội đồng tìm chỗ ở mới cho cặp rắn hổ mây “khủng”

(Dân trí) - UBND tỉnh An Giang cho biết, xung quanh đề xuất của UBND tỉnh về việc giao cặp rắn cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (thuộc Bộ NN&PTNT), mới đây Bộ NN&PTNT đã có ý kiến giao cho UBND tỉnh An Giang xử lí theo quy định pháp luật.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Trên tinh thần hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh An Giang sẽ thành lập hội đồng, trong đó có chính quyền địa phương, chuyên gia… đánh giá sức khỏe của cặp rắn có đủ điều kiện thả về tự nhiên hay chưa; khảo sát môi trường tự nhiên thích hợp với loài rắn này và kể cả lắng nghe ý kiến người dân về nơi sinh sống của cặp rắn cũng như mức độ an toàn cho người dân”.

Theo ông Thư khi các điều kiện đảm bảo, UBND tỉnh sẽ có quyết định thả cặp rắn về môi trường tự nhiên theo kết quả khảo sát, đề xuất của các chuyên gia. Việc thả cặp rắn sẽ được tổ chức công khai.

Sẽ lập hội đồng tìm chỗ ở mới cho cặp rắn hổ mây “khủng”  - 1

UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng để tìm chỗ ở mới cho cặp rắn hổ mây "khủng" này

Như Dân trí đã thông tin, một DN trên địa bàn tỉnh An Giang bắt giữ cặp rắn hổ mây nặng đến 60kg, dài 6-7m. Sau đó, DN này đưa về nuôi nhốt tại Khu di tích lịch sử - du lịch đồi Tức Dụp.

Ngày 15/5, Chi cục Kiểm lâm An Giang cùng các ngành liên quan đến kiểm tra và lập biên bản vụ việc. Qua buổi làm việc, ngành chức năng xác nhận cặp rắn DN đang nuôi là rắn hổ mây (hay còn gọi là rắn hổ mang chúa), chiều dài mỗi con khoảng 4m và nặng khoảng 18kg.

Sau buổi làm việc này, Chi cục Kiểm lâm vẫn để DN nuôi cặp rắn, nhưng yêu cầu tăng cường công tác gia cố chuồng trại, chăm sóc, mặt khác đoàn báo cáo với UBND tỉnh An Giang về hướng xử lí, nuôi nhốt cặp rắn này.

Sẽ lập hội đồng tìm chỗ ở mới cho cặp rắn hổ mây “khủng”  - 2

VIệc thả cặp rắn về môi trường tự nhiên, các chuyên gia sẽ tìm nơi phù hợp với cặp rắn này (từng sinh sống hay trước đây có loài răn này sinh sống) nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân

Ngay sau đó, DN cũng có văn bản xin UBND tỉnh cho phép nuôi cặp rắn tại đồi Tực Dụp. Sau đó, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT nghiên cứu các qui định pháp luật có phù hợp như nguyện vọng của DN.

Đến ngày 18/5, UBND tỉnh An Giang có văn bản báo cáo và xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về đề nghị giao cặp rắn cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (thuộc Bộ NN&PTNT) tìm môi trường phụ hợp để thả cặp rắn về môi trường tự nhiên, đảm bảo mục đích bảo tồn.

Hiện tại, DN vẫn đang nuôi nhốt cặp rắn hổ mây “khủng” tại Khu di tích lịch sử - du lịch đồi Tức Dụp thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Sau khi báo chí phản ánh về cặp rắn hổ mây khủng đang được nuôi ở đồi Tức Dụp, mấy ngày qua lượng du khách ở đây tăng lên 5-7 lần.

Nguyễn Hành