1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ không hoán đổi ngày nghỉ để tránh có kỳ nghỉ Tết quá dài?

(Dân trí) - Đây là một nguyên tắc được lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH nhấn mạnh khi nói về Điều 113 dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đang được bàn thảo, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cuối năm nay. Theo đó, quy định về số ngày nghỉ, nghỉ bù được giữ nguyên như hiện hành nhưng nhà nước sẽ hạn chế hết mức việc hoán đổi ngày làm việc, ngày nghỉ để tránh tạo ra kỳ nghỉ quá dài.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá phối hợp tổ chức ngày 1/7/2019, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp giới thiệu về những điểm mới được đề xuất, trong đó quy định về thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Sẽ không hoán đổi ngày nghỉ để tránh có kỳ nghỉ Tết quá dài? - 1

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ,TB&XH Mai Đức Thiện trình bày báo cáo tại hội thảo

Kỳ nghỉ Tết chỉ “khuôn” trong 5-7 ngày

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, quy định về kỳ nghỉ Tết trong dự thảo Bộ luật được giữ nguyên như luật hiện hành. Tuy nhiên, một nguyên tắc quản lý được nhấn mạnh là hạn chế hết mức việc hoán đổi ngày làm việc, ngày nghỉ để tránh tạo ra một kỳ nghỉ Tết quá dài, gây ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất, lao động.

Lãnh đạo Bộ Lao động cho biết, quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ năm 2013 tới nay và được đa số người dân ủng hộ. Cụ thể, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Tuy nhiên, tính trung bình những năm gần đây, số ngày nghỉ Tết đều ở mức 7-9 ngày do thực hiện hoán đổi ngày làm việc/ngày nghỉ. Có ý kiến cho rằng, kỳ nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam như thế là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng, gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Vậy nên, nguyên tắc mới được đề ra trong lần sửa luật này là không thực hiện việc hoán đổi như đã áp dụng những năm qua.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Văn phòng giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các hiệp hội đều thống nhất giữ nguyên quy định về nghỉ Tết âm lịch hiện hành. Nếu lịch nghỉ Tết trùng vào ngày nghỉ thì nên được nghỉ bù.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thống nhất với việc giữ nguyên quy định về nghỉ Tết âm lịch. Nếu lịch nghỉ trùng vào ngày nghỉ thì nên được nghỉ bù. Lập luận được đưa ra là lao động tại các doanh nghiệp đa phần là ở các tỉnh xa. Theo đó, quy định về việc nghỉ bù trong dịp Tết là cơ hội để người lao động được về quê, đoàn tụ với gia đình.

Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ kiến nghị các cơ quan nhà nước không quy định việc chuyển đổi ngày nghỉ, ngày làm bù để nghỉ liền kéo dài quá lâu trong dịp này, ảnh hưởng đến xã hội.

Đình công hợp pháp 

Sẽ không hoán đổi ngày nghỉ để tránh có kỳ nghỉ Tết quá dài? - 2

Phó Chủ nhiệm thường trực UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi gợi ý thảo luận về những điểm còn tranh cãi trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi 

Về những nội dung khác, gợi ý thảo luận, Phó Chủ nhiệm thường trực UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh về vấn đề quan hệ lao động.

Đề cập về vấn để nới khung giờ làm thêm tối đa (tăng thêm 100 giờ, từ mức 300 giờ lên 400 giờ/năm), ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần giải quyết mâu thuẫn, yêu cầu tăng năng suất lao động là phải tăng hiệu quả, giảm thời giờ làm chứ không phải tăng bằng cách đẩy thời gian lao động lên. Do đó, việc tăng giờ làm thêm theo quan điểm của cơ quan soạn thảo luật phải gắn được với danh mục các loại việc được tổ chức làm thêm giờ, chỉ áp dụng với những công việc mang tính chất cấp bách, mùa vụ, phục vụ mục tiêu sản xuất hàng xuất khẩu.

Đề xuất về nâng tuổi nghỉ hưu thì cần xác định để đối phó với già hoá dân số, đảm bảo quy mô lao động của nền kinh tế nên việc xác định những khu vực áp dụng việc tăng tuổi phải gắn với danh mục chi tiết hơn 1.000 công việc nặng nhọc, độc hại không triển khai áp dụng.

Quy định về tổ chức công đoàn, Phó Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án luật nhận định, Công đoàn Việt Nam hiện là tổ chức lớn mạnh nhất để bảo vệ quyền lợi người lao động, cũng là một tổ chức làm nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vậy nên, việc thay đổi, nếu có, chỉ xem xét ở cấp cơ sở để có những tổ chức tương đương với công đoàn cơ sở cho người lao động chủ động lựa chọn tham gia.

Từ đó, quy định về việc thương lượng tập thể phải thay đổi theo hướng gắn với những vấn đề thực tế nảy sinh trong quá trình lao động chứ không phải làm theo kiểu hình thức, định kỳ 6 tháng/lần hiện nay. Ông Lợi dẫn chứng, mấy chục năm qua, chưa có cuộc đình công nào của công nhân diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa quy định về thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể trong luật hiện hành vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vậy nên sửa luật lần này, nguyên tắc là hoạt động đình công chỉ có thể diễn ra trong quá trình thương lượng tập thể.

Đại diện Tổ chức lao động quốc tế ILO, bà Andrea Prince nhận xét, dự thảo bộ luật đã thể hiện những thay đổi đáng kể, tích cực về các vấn đề như lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, quy định về bình đẳng và chống phân biệt đối xử, quy định về thương lượng tập thể.

Tuy nhiên, còn một số điểm Việt Nam vẫn cần quan tâm, trước hết là đảm bảo người lao động có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện cho mình theo sự lựa chọn của họ, sau đó là việc bảo vệ tốt hơn để chông phân biệt đối xử đối với công đoàn và can thiệp vào công đoàn.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm