Nghỉ Tết Nguyên đán: Nhiều hiệp hội doanh nghiệp muốn giữ nguyên ngày nghỉ bù
(Dân trí) - Sáng 14/5, tại Hà Nội, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm nên giữ nguyên quy định về nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán như hiện tại. Đây là điều bất ngờ bởi nhiều ý kiến trước đó cho rằng nghỉ dài có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, thu hút nhiều góp ý của đại diện hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia lao động việc làm về các nội dung của dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012.
Đề xuất không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán là một trong những tiêu điểm thu hút ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nhiều đại diện hiệp hội doanh nghiệp sử dụng đông lao động đã đề nghị giữ nguyên quy định về nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán như hiện nay.
Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may VN cho rằng, dự thảo nên giữ theo phương án đang được áp dụng. Theo đó, trường hợp ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
Lý giải về điều này, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: “Đối với ngành dệt may, nhiều lao động ở quê xa. Do đó, doanh nghiệp càng tạo điều kiện cho họ có ngày nghỉ bù Tết thì họ mới quay lại làm việc”.
Chia sẻ đặc thù của công tác quản lý lao động trong ngành dệt may của nhiều doanh nghiệp thành viên, vị Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN bổ sung: “Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dệt may ở khu vực phía nam còn cho người lao động nghỉ Tết tới tận hết Rằm tháng Giêng”.
Đồng quan điểm về việc giữ nguyên quy định nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán, bà Đỗ Thị Thuý Hương - đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam tại Hội thảo cũng cho rằng việc thay đổi là không cần thiết.
Được biết, điện tử một trong những ngành sản xuất đang thu hút nhiều ngoại hối và đông lao động của Việt Nam.
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Nên duy trì quy định như hiện tại
Theo ông Phạm Minh Huân, năm 1994, khi Luật Lao động mới hình thành đã có quy định nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán. Đây là quy định có tính nhân văn và giúp người lao động có thể giải quyết tình trạng ách tắc tàu xe mỗi dịp trước - sau Tết Nguyên đán. Do đó, dự thảo nên giữ nguyên theo quy định hiện hành về ngày nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán.
“Doanh nghiệp ngành điện tử là tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó khi nghỉ Tết, người lao động từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình. Việc quy định ngày nghỉ Tết Nguyên đán ngắn quá sẽ khó đảm bảo được lịch nghỉ trọn vẹn” - bà Đỗ Thị Thuý Hương nói.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp FDI, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, cho rằng thời gian nghỉ Tết gồm cả nghỉ bù kéo dài khoảng 7 ngày là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và người lao động.
“Quy định về ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Nhật bản đang có trụ sở ở các khu công nghiệp tập trung lao động. Việc đi lại cũng cần có thời gian, đặc biệt là những lao động có quê xa nơi làm việc” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.
Trước đó, chia sẻ quan điểm của Ban soạn thảo dự thảo Luật Lao động 2012 tại Hội thảo, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), giải thích thêm về đề xuất không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, đa số các nước trên thế giới có lịch nghỉ Tết dương lịch dài. Ngược lại, Việt Nam có thời gian nghỉ Tết lịch dương ngắn và nghỉ Tết Nguyên đán dài.
“Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam đang có lịch nghỉ lệch nhịp so với thế giới. Lịch nghỉ trong Luật Lao động chỉ có 5 ngày, nhưng thường có ngày nghỉ bù để cho tròn thành 1 tuần. Như vậy, tiến độ sản xuất đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu có phần lệch so với nhịp của thế giới” - ông Mai Đức Thiện giải thích thêm.
Cũng theo Vụ Pháp chế, số ngày nghỉ lễ được tính lương của Việt Nam còn thấp so với những ngày nghỉ của các nước lân cận. Ví dụ: Việt Nam chỉ có 10 ngày, Campuchia 14 ngày, Lào 16 ngày, Singapore 12 ngày…
“Từ thực tế trên, trong quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị sửa rút ngắn ngày nghỉ Tết âm lịch lại và ngày nghỉ bù sẽ chuyển sang những ngày nghỉ khác để nhịp nghỉ của người lao động có phần đáp ứng với quá trình liên thông trong thực hiện đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu, phù hợp với nhiều nước trên thế giới” - ông Mai Đức Thiện bổ sung.
Do đó, dự thảo sửa đổi đang đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến dư luận xã hội. Phương án 1: Giữ nguyên quy định nghỉ như hiện nay. Phương án 2: Không có ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán nếu trùng vào ngày nghỉ cuối tuần.
Hoàng Mạnh