Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
“Sẽ đình chỉ công trình thủy điện ảnh hưởng đến dân”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình. Thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát lại, công trình thủy điện nào không phù hợp có thể bị đình chỉ hoạt động.
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay 21/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với báo chí về tình hình mưa lũ miền Trung, về việc các hồ thủy điện xả lũ.
Phó Thủ tướng vừa dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tình hình mưa lũ ở miền Trung, xin ông cho biết, có đúng là các hồ thủy điện xả lũ sai qui trình khiến tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng?
Các địa phương có hồ chứa lớn như Bình Định (160 hồ chứa), Quảng Ngãi (120 hồ), Đà Nẵng (hơn 70 hồ) đều rà soát các hồ chứa trước khi mưa lũ về. Các hồ chứa yếu đều được tách ra và không tích nước. Do vậy, đợt này mưa rất lớn so với những lần trước nhưng tình trạng vỡ hồ chứa không xảy ra.
Tôi cho đây là điều đáng mừng, do cách ứng phó của các địa phương tốt, đã kiểm soát chặt các hồ thủy lợi lớn như hồ Phú Ninh (Quảng Nam), các hồ Nước Trong, Thạch Nham (Quảng Ngãi), hồ Định Bình (Bình Định). Các địa phương có hồ thủy điện cũng nắm rất chặt các quy trình thông báo thời gian hạ mức nước, xả lũ.
Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy.
Còn về trường hợp của An Khê, vừa rồi tôi không đi khảo sát nhưng nghe các đồng chí trên đó báo cáo, thấy rằng thông báo của chủ hồ cho địa phương đều có đầy đủ. Vấn vấn đề này sẽ phải kiểm tra lại.
Vậy quan điểm của Phó Thủ tướng về việc các hồ thủy điện xả lũ thời gian qua?
Theo tôi, việc xả lũ là bình thường, bởi mưa xối xuống lưu vực, nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả, không chảy xuống lưu vực thì nước đi đâu? Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả lũ sai quy trình chỉ làm nghiêm trọng hơn cho tình hình hạ du. Khi xả sai thì lũ chồng lũ bởi không điều tiết chính xác mức nước hồ chứa để xả cao hơn cả đỉnh lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Đây chính là vấn đề cần phải kiểm soát chặt.
Chính phủ vẫn yêu cầu các Bộ Công thương và Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cùng các địa phương phải theo dõi chặt chẽ, nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình xả lũ, chủ quan, không phân công trực khi mưa lũ và không có những mệnh lệnh chính xác thì có thể xảy ra tại họa khôn lường. Những trường hợp đó phải kiểm tra và xử lý nghiêm, thì những người vận hành và khai thác các hồ chứa mới thực hiện hết trách nhiệm của họ với vùng hạ du. Bởi phía hạ du còn bao nhiêu người hứng chịu.
Qua kiểm tra, ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ. Các hồ mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng hiệu quả cắt lũ chưa cao.
Dư luận cho rằng, để dẫn tới thiệt hại nặng nề như ngày hôm nay là do công tác dự báo, thông báo cho dân chưa được quan tâm đúng mức?
Tôi đã đi kiểm tra xuống tận xã và biết, người dân được thông báo đã đi sơ tán bởi khi lũ về chỉ một lúc là nước dâng trên cả đầu người. Tại miền Trung, người dân tự giác tránh lũ hơn và họ sơ tán ngay. Tuy vậy, vẫn có nơi người dân nói không biết có lũ, dù có địa phương nói đều thông báo lưu ý lần này có lũ lớn, khả năng trên lũ năm 2009 một mét.
Tôi vào mấy nhà dân bị sập vào ban đêm, hỏi được biết đồng bào chạy ra ngoài rồi, hoặc lúc ấy đã lên ủy ban ngồi. Tôi đã giao cho các Bộ chức năng và ủy ban các địa phương kiểm tra xem thông tin có vấn đề gì không? Hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn phải kiểm soát được luồng thông tin từ lãnh đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và từ các hồ đập.
Thông tin truyền đạt đến người dân kịp thời như vậy nhưng tại sao số người chết vẫn nhiều, thưa ông?
Khi phân tích các trường hợp chết, tôi yêu cầu các địa phương làm rõ và biết khi lũ về siết vào ban đêm là ít nhất. Những vùng ngập sâu, lũ nặng lại không chết nhiều bằng những vùng ngập ít hơn, lũ nhẹ hơn. Chết sau lũ lại nhiều hơn vì khi lũ xuống, người dân đi làm đồng… nhặt cá, tôm, giúp đỡ nhau… Có nhiều trường hợp chết rất đáng tiếc. Từ đó phải tăng cường tuyên truyền chống bão lũ và tăng cường công tác cộng đồng, đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng.
Vì rất nhiều đường cấp huyện, quốc lộ chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ. Đồng bào sơ tán chậm là không kịp đi vì ngập. Phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ, cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ… Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi, phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.
Vậy với khu vực miền Trung có những đặc thù gì phải lưu ý khi xây dựng hồ chứa, thưa ông?
Qua cơn bão số 15 cho thấy, miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngắn, nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất siết và nhanh, với đặc thù là ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế, các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam, chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế, nên dung tích phòng lũ không lớn. Thậm chí các hồ chứa ở các miền Bắc, Nam lớn như Hòa Bình, Sơn La, trước mùa lũ đều được điều chỉnh lượng nước, đưa về mức phòng lũ. Khi lũ về thì cắt lũ và đến hết năng lực phòng lũ thì bắt xả.
Ở nhiều nước, có những công trình thủy điện quy mô lớn, dù đã đi vào vận hành rồi nhưng nếu thấy tác động môi trường lớn và có thể gây ra những lũ lớn, ảnh hưởng đến dân, người ta sẽ ra quyết định đình chỉ. Ví dụ như ở Trung Quốc, có rất nhiều công trình lớn họ đã ra quyết định đình chỉ. Vậy qua những đợt này, có những công trình ở miền Trung với mật độ dày đặc, nếu không hợp lý, Chính phủ có ra quyết định đình chỉ không?
Nếu công trình nào không hợp lý, những công trình chỉ gây hại, không có lợi gì thì tất nhiên phải đình chỉ. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và ban hành các quy trình liên hồ chứa. Hiện tại, Thủ tướng đã ban hành thêm quy trình cả liên hồ chứ mùa lũ và mùa cạn. Theo đó, các thủy điện phải đảm bảo được các dòng chảy tối thiểu, bảo đảm môi trường, cung cấp nước… sẽ có tác động tới các thông số kinh tế và tài chính của dự án.
Lúc đó, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để xử lý các thông số tài chính, vì chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu bền vững lên trên, nếu có thiệt hại về tài chính sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Không vì số liệu về tài chính mà chúng ta lại hy sinh lợi ích của phía hạ du, nếu không chúng ta sẽ không phát triển bền vững được.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Nguyễn Hiền