Sẽ có nhiều bộ sách trong một chương trình

Sáng nay, Quốc hội thảo luận về Luật giáo dục để chỉnh sửa và bổ sung nhiều vấn đề quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa trong một chương trình. Ở địa phương, Sở GD-ĐT sẽ chọn bộ sách phù hợp hoặc có thể sử dụng song song các bộ sách khác nhau.

Phóng viên Báo Khuyến học & Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội.

 

Thưa bà, chương trình và sách giáo khoa phổ thông được đặt ra như thế nào trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này?

 

Vấn đề chương trình và sách giáo khoa (SGK) là nội dung quan trọng trong Luật giáo dục sửa đổi. Trước đây, chúng ta chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa thì nay sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng chỉ một chương trình. Nhà nước sẽ tập trung vào quản lý chương trình học.

 

Vậy thì Nhà nước sẽ giao cho ai lựa chọn sách giáo khoa?

 

Bộ GD - ĐT sẽ tổ chức Hội đồng thẩm định SGK. Hội đồng thẩm định SGK ấy sẽ tư vấn cho Bộ trưởng và Bộ trưởng sẽ quyết định chọn bộ SGK nào tốt nhất. Còn việc sử dụng SGK tại mỗi địa phương sẽ do Sở GD -  ĐT chọn bộ sách nào phù hợp. Mỗi địa phương có thể sử dụng 2 bộ sách chứ không nhất thiết chỉ có một bộ.

 

Nhiều bộ sách giáo khoa như thế có ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh không?

 

Theo tôi thì không. Bởi SGK nào viết cũng phải theo chương trình Nhà nước quy định và các tác giả thể hiện chỉ khác nhau về phương pháp diễn đạt, cách thức bố trí cơ cấu.

 

Xã hội kỳ vọng có một chương trình gọn nhẹ, phù hợp với sức của học sinh, đồng thời giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển. Như vậy cần phải quản lý như thế nào để đạt được mục đích đó?

 

Trước hết, xây dựng chương trình phải hết sức chu đáo, giảm tải phải trên cách làm tinh giảm. Tinh giảm có nghĩa là chọn những kiến thức cần thiết nhất, hay nhất, tốt nhất cho mục tiêu giáo dục chứ không có nghĩa là giảm hết cả. Cách làm chương trình này là do sự chỉ đạo chung. Vấn đề học sinh có học nặng không cái đó có 3 nguyên nhân: Chương trình, SGK, Phương pháp giảng dạy. Nếu 3 vấn đề này giải quyết được thì mới đánh giá được chương trình nặng hay nhẹ.

 

Theo bà chương trình đang dạy hiện nay nặng hay nhẹ?

 

Nặng hay nhẹ phải đánh giá rất kỹ. Thời gian qua, Bộ GD - ĐT đã rất cố gắng giải quyết chương trình phổ thông theo hướng giảm tải, bớt đi những kiến thức hàn lâm mang tính chất trừu tượng và tăng khả năng vận dụng, chủ động cho học sinh.

 

Chương trình sở dĩ nặng lên cũng có nguyên nhân vì Bộ GD - ĐT cái gì cũng muốn đưa vào như an toàn giao thông, giới tính, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, vì thời gian có hạn, nên tôi nghĩ những kiến thức này giáo viên chỉ lấy ví dụ thôi chứ đưa vào dạy thì không đủ thời gian.

 

Bản thân ngành giáo dục trong kiểm điểm đã nhận khuyết điểm yếu kém nhất là khâu quản lý Nhà nước. Hiện nay chúng ta có một chương trình, một bộ SGK mà đã quản lý lao đao như thế này mà nhiều bộ sách thì sẽ như thế nào?

 

Sẽ có nhiều bộ sách trong một chương trình - 1

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội - Trần Thị Tâm Đan.

Khi đưa ra một vấn đề gì phải tính theo sự phát triển trong xu thế tiến bộ. Còn công tác quản lý giáo dục phải theo yêu cầu đặt ra. Vấn đề đặt ra như vậy cũng đòi hỏi cơ quan quản lý giáo dục không những từ Bộ mà cả chính quyền địa phương, các Sở giáo dục đều phải nâng cao trình độ, trách nhiệm. Đặc biệt, vai trò của giáo viên trong tổ chức chương trình, SGK là rất quan trọng.

 

Nhà nước có thể cấp ngân sách cho trường Dân lập

 

Chúng ta có nhiều loại hình trường lớp ngoài hệ thống của Nhà nước để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Vậy tinh thần, nội dung của dự thảo Luật lần này như thế nào?

 

Dự thảo lần này có đưa vào những chính sách đối với trường Dân lập. Theo đó, Nhà nước có thể cho trường Dân lập thuê đất, thậm chí cấp đất không thu tiền, để trường Dân lập xây dựng không tốn kém có thêm cơ sở vật chất nâng cao chất lượng.

 

Ngân sách nhà nước có thể đầu tư cho trường Dân lập theo đơn đặt hàng và Nhà nước có thể cấp ngân sách cho trường khi trường đó thực hiện những chính sách xã hội. Đối với các trường công lập cũng phải đặt ra vấn đề quản lý vấn đề tài chính, thực hiện chế độ thống kê kiểm toán, tài chính công khai.

 

Nhà nước có thể bỏ ngân sách ra để bỏ thầu, đặt hàng một trường Dân lập nào đó?

 

Trong Luật giáo dục sửa đổi, Nhà nước có thể cấp ngân sách cho trường Dân lập theo đơn đặt hàng chứ không phải bỏ thầu. Nếu Nhà nước đặt hàng thì Nhà nước sẽ đầu tư tài chính, có nghĩa là không chỉ giao cho trường công lập mà đây là khuyến khích cho các trường Dân lập. Vì vậy, trong tinh thần của Luật lần này, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các trường Dân lập trong giai đoạn đầu phát triển.

 

Vậy Nhà nước sẽ hỗ trợ về đất đai và tiền cho các trường ĐH Dân lập?

 

Nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH Dân lập vay vốn tín dụng một cách thuận lợi hoặc cấp đất không thu tiền, cái đó tuỳ từng trường. Thậm chí Nhà nước có cơ sở vật chất và khuyến khích các tổ chức kinh tế xây dựng cơ sở vật chất cho trường thuê. Như thế sẽ đỡ cho các trường dân lập tư thục bước đầu gặp khó khăn.

 

Lâu nay, hệ thống giáo dục của chúng ta quản lý rất chặt đầu vào như thi tuyển đại học nhưng đầu ra lại quá dễ dàng. Nhiều chuyên gia đặt ngược vấn đề nên quản lý chặt đầu ra và cởi mở hệ thống đầu vào. Trong Luật giáo dục lần này có đề cập đến vấn đề này không?

 

Luật giáo dục hiện nay không quy định quá cụ thể về chuyện trường ĐH nào tuyển chặt và tuyển sinh bao nhiêu, học sinh đạt tiêu chuẩn như thế nào đó là công việc cụ thể chuyên môn của nhà trường. Muốn thay đổi thì hướng tới phải có nhiều loại trường. Vấn đề chất lượng là phải do từng trường quyết định. Từng trường có chất lượng khác nhau thì nhu cầu sẽ khác nhau.

 

Vậy Luật giáo dục phải đặt ra như thế nào để quy định chuẩn giáo dục của Việt Nam?

 

Luật giáo dục sửa đổi kỳ này đưa vào chế độ kiểm định chất lượng giáo dục và Bộ GD  - ĐT đã thành lập Cục khảo thí và kiểm định chất lượng. Cục này có thể kiểm tra trong cả nước hoặc một cấp học, trường nào đó. Chế độ kiểm định chất lượng sẽ kiểm tra định kỳ.  

Xin cảm ơn bà!     

Vũ Hạnh