1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau vụ sập cầu Phong Châu, người dân sống giữa sông Hương lo cây cầu vá víu

Vi Thảo

(Dân trí) - Cầu Phú Lưu được xây dựng từ những năm 1965-1967 và là cây cầu độc đạo nối liền Cồn Hến, nằm giữa sông Hương với phần còn lại của thành phố Huế.

Những ngày qua, thông tin về vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) trong cơn bão Yagi làm nhiều phương tiện rơi xuống sông, nhiều người tử vong và mất tích, khiến người dân cả nước bàng hoàng, đau xót. 

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân sống trên Cồn Hến (phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) không khỏi lo lắng cho số phận của cầu Phú Lưu khi cơn bão số 4 đang đến gần.

Sau vụ sập cầu Phong Châu, người dân sống giữa sông Hương lo cây cầu vá víu - 1

Cầu Phú Lưu là cây cầu độc đạo nối Cồn Hến nằm giữa sông Hương với phần còn lại của thành phố Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Cầu Phú Lưu dài 13,5m, rộng 3,16m, nằm trên đường Ưng Bình - tuyến đường bộ độc đạo của gần 1.200 hộ, với trên 5.000 người dân sống tại khu vực Cồn Hến, nằm giữa sông Hương.

Ông Phạm Văn Bôn (76 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ) có nhà ở ngay đầu cầu Phú Lưu, cho biết cây cầu này được xây dựng năm 1965, hoàn thành năm 1967. Đây là cây cầu phục vụ mục đích dân sinh, có bề ngang hẹp, trụ bằng bê tông, thân sắt thép, đà ngang bằng gỗ, sau được thay bằng thép, mặt cầu tráng bê tông nhựa.

Trong quá trình tồn tại, cầu có 2 lần bị sập móng đầu cầu, rất may không gây thiệt hại về người.

Do xuống cấp, cầu Phú Lưu từng trải qua nhiều lần sửa chữa, trong đó có 2 lần sử dụng lại vật liệu của cầu khác chắp vá vào. Lần đầu là sử dụng các nhịp bằng sắt thép của cầu Trường Tiền bị sập.

Năm 2013, khi thực hiện xây mới cầu Đông Ba, bắc qua sông Đông Ba (thành phố Huế), cơ quan chức năng tháo dỡ hệ khung dầm thép đem về lắp vào cầu Phú Lưu. 

Cũng vì hư hỏng, xuống cấp, trong một thời gian dài, cơ quan chức năng chỉ cho phép người đi bộ và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Phú Lưu, các loại phương tiện khác bị cấm.

Đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí hơn 4,7 tỷ đồng để sửa chữa cầu Phú Lưu, nhằm duy trì tuổi thọ cầu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện như: xe cứu thương, xe tang, xe chữa cháy hạng nhỏ.

Chủ đầu tư đã tiến hành gia cố, sửa chữa toàn bộ 32 móng cọc trụ cầu cũng như các vị trí hư hỏng của trụ cầu; bổ sung dầm dọc, gia cố hệ dầm dọc và giàn chủ, thay bản mặt cầu cũ từ bê tông cốt thép thành thép tấm chống trượt.

Sau vụ sập cầu Phong Châu, người dân sống giữa sông Hương lo cây cầu vá víu - 2

Cầu Phú Lưu có bề ngang hẹp, mặt cầu bị bào mòn, khi có mưa thường trơn trượt (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Đặng Văn Ngọc (72 tuổi, người dân Cồn Hến) cho biết dù đã sửa chữa, bản mặt cầu được thay bằng tấm thép chống trượt, nhưng lưu lượng phương tiện qua cầu Phú Lưu ngày càng lớn nên mặt cầu bị bào mòn, trơn trượt. 

"Cầu Phú Lưu không chỉ phục vụ hàng nghìn hộ dân trên Cồn Hến, học sinh đi học mà hàng ngày có rất nhiều lượt người dân nơi khác, du khách đến đây thưởng thức đặc sản cơm hến. Chúng tôi mong các cơ quan ban, ngành quan tâm, bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu để đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của người dân", ông Ngọc kiến nghị.

Sau vụ sập cầu Phong Châu, người dân sống giữa sông Hương lo cây cầu vá víu - 3

Trụ cầu có tuổi thọ cao, đã xuống cấp mạnh (Ảnh: Vi Thảo).

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Khu Quản lý Đường bộ II, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) kiểm tra tổng thể 3 cây cầu trọng điểm trên sông Hương gồm Trường Tiền, Phú Xuân và Phú Lưu.

Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, ngoại trừ cầu Phú Xuân và Trường Tiền có "sức khỏe" đảm bảo, cầu Phú Lưu có nhiều vấn đề.

Do tuổi đời đã cao, lại nằm trong nhánh ít chảy của sông Hương, nước tù, ô nhiễm nên hệ trụ cầu Phú Lưu bị ảnh hưởng, chất lượng giảm đến 50%, sắt thép bên trong trụ bị trơ; một số vị trí hệ khung dầm bị hoen gỉ, gây mất an toàn cho toàn bộ công trình.

Đội thợ lặn sau khi cùng tham gia kiểm tra, khuyến cáo cơ quan chức năng cần sớm lắp đặt thêm barie hạn chế chiều cao tối đa, biển báo cấm xe tải đi qua cầu Phú Lưu; có phương án sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đợt kiểm tra này sẽ đánh giá tổng thể các tác động đến kết cấu phần dưới công trình, qua đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật; có biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông.