1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau sự cố Formosa: Lo sông Hậu “chết dần” vì nhà máy giấy

(Dân trí) - Sau sự cố Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, giờ đây người dân miền Tây lại lo lắng khi nhà máy Giấy Lee & Man chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2017. Sự lo lắng của hàng triệu người dân sống dọc triền sông Hậu là có cơ sở và chính đáng khi một năm hàng chục ngàn tấn xút (NaOH) dự kiến sẽ được thải ra sông Hậu.

Có cần đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư?

Cách đây 9 năm, một ngày đầu tháng 8/2007, hàng trăm quan khách và người dân đã có mặt tại xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành, Hậu Giang), chứng kiến Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam động thổ khởi công xây dựng nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang.

Khi đó, tôi ngồi kế một chuyên viên ở UBND tỉnh Vĩnh Long, được nghe anh “trầm trồ” khen ngợi Hậu Giang đã đột phá thu hút đầu tư nhà máy giấy với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Vị chuyên viên này khi đó đã tính GDP sẽ tăng nhanh từ dự án này…

Nhà máy giấy Lee & Man nằm cạnh dòng Hậu Giang hiền hòa
Nhà máy giấy Lee & Man nằm cạnh dòng Hậu Giang hiền hòa

Thật ra, trước khi nhà máy giấy được khởi công xây dựng, các nhà khoa học đã có những phản biện tranh luận. Dư luận quan tâm đến tác động môi trường từ nhà máy giấy (nằm gần sông Hậu) là chính đáng. Vì môi trường khu vực này không chỉ liên quan đến nguồn nước ngọt cung cấp cho cộng đồng mà còn liên quan đến sản xuất của người dân và hệ sinh thái trong vùng.

Nay, sau sự cố Formosa, không chỉ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mà người dân, các nhà khoa học càng “soi” nhà máy giấy một cách thận trọng.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ trải lòng: “Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và nhà máy giấy cần ngồi lại. Cần đưa ra phép thử: tôi cấp phép xây dựng vì anh nói sử dụng quy trình tối tân tối xử lý nước thải. Báo chí nghi ngờ giống Formosa? Tôi đang tìm cách đóng cửa nhưng đóng không được vì chưa có lý do. Nhà máy giấy phải làm đúng theo dự án. Đề nghị xử lý nước thải tốt đừng làm như Formosa, Vedan… Tôi cũng không tin ngành tài nguyên – môi trường mà nhờ chỉ định một nhóm (phi chính phủ) hoạt động trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra chéo coi anh có ăn gian không. Hai cơ quan kiểm tra, dân sẽ giám sát dòng sông… Thấy cá gần khu vực nhà máy lờ đờ, chờ vài con cá chết đóng cửa anh không kiện tôi được. Nhà máy giấy phải làm đàng hoàng để chứng tỏ giữ đúng lời hứa”.

Chắc chắn dư luận và cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt nhà máy giấy ven sông Hậu để không xảy ra sự cố như Formosa!

Tuy nhiên, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: ĐBSCL có cần đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư ? Lâu nay, nhiều nhà khoa học khuyên “vựa lúa” hãy chọn thu hút đầu tư theo hướng “tăng trưởng xanh” – bảo vệ môi trường. Thế nhưng dọc triền sông Hậu và sông Tiền là nhan nhản các khu công nghiệp, nhà máy, chen nhau xả thải ra sông, gây ô nhiễm tràn lan, làm xáo trộn sinh hoạt của hàng ngàn người dân.

Các nhà khoa học cho rằng, quan niệm “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau” rất tốn kém và có thể quá muộn để sửa sai. Formosa là bài học đau xót và cái giá phải trả quá đắt!

Tạm ngừng cho phép nhà máy hoạt động, đánh giá các yếu tố gây nguy cơ

PGS-TS Lê Anh Tuấn- Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) - cho rằng, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL đã được nâng cao, đặc biệt sau thảm hoạ môi trường làm cá chết hàng loạt ở biển miền Trung do Formasa xả thải.

“Cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và cư dân trong khu vực sông Hậu rất quan ngại sự hiện hiện của nhà máy giấy Lee & Man. Nhà máy giấy lớn nhất Đông Nam Á, lại đặt ở một vùng nước rất nhạy cảm về mặt sinh thái và sinh kế (sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản).

Đặc biệt là hồ sơ đánh giá tác động môi trường của cụm nhà máy này làm từ lâu (2008), đến nay đã lạc hậu và thiếu nhiều cơ sở khoa học, cũng như tham vấn cộng đồng trong phòng tránh nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến sinh thái và môi trường sống khu vực”- PGS.TS Tuấn chia sẻ.

PGS-TS Lê Anh Tuấn- Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL: Sự mất mát do huỷ hoại tài nguyên nước sẽ gây hậu quả rất lớn và rất khó khắc phục
PGS-TS Lê Anh Tuấn- Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL: Sự mất mát do huỷ hoại tài nguyên nước sẽ gây hậu quả rất lớn và rất khó khắc phục

Thầy Tuấn cũng nêu quan điểm: Giải pháp quan trọng hiện nay là tạm ngừng cho phép nhà máy hoạt động, đánh giá toàn bộ các yếu tố gây nguy cơ, yêu cầu thực hiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định sức chịu tải môi trường nước khu vực theo những tác nhận cộng dồn và phải có phản biện công khai từ các ý kiến nhà khoa học và cộng đồng. Bởi môi trường nước vùng sông Hậu rất nhạy cảm, cả vùng Tây Nam Bộ (sản xuất nông lâm ngư nghiệp) hiện nay dưới tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố kiểm soát nước từ thượng nguồn, nguy cơ khó khăn về nguồn nước, đặc biệt mùa khô, rất nghiêm trọng.

“Bên cạnh đó, đã có quá nhiều khu công nghiệp từ Cần Thơ đến cửa sông, nhiều nhà máy nhiệt điện đang và sẽ làm cho môi trường khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm. Nay có thêm nhà máy quá lớn này sẽ làm gia tăng sức ép nặng nề lên môi trường. Không có gì chắc chắn về độ an toàn của nhà máy liên quan đến xả thải. Do vậy, các nhà quản lý phải rất thận trọng khi kêu gọi đầu tư.

Hãy để những con sông “vẫn như thuở ấy”!
Hãy để những con sông “vẫn như thuở ấy”!

Sự mất mát do huỷ hoại tài nguyên nước sẽ gây hậu quả rất lớn và rất khó khắc phục. Formosa là bài học rất đau đớn, hiện chưa có ai trả lời được là bao năm nữa môi trường biển mới phục hồi như trước năm 2015. Với không gian biển còn khó khăn như vậy thì môi trường sông có không gian hạn hẹp hơn nên khả năng phục hồi sẽ khó hơn gấp nhiều lần. Thận trọng với môi trường và sinh thái không bao giờ là thừa, sai lầm trong quyết sách sẽ khó bào chữa trong các trường hợp như thế này”- Thầy Tuấn nêu quan điểm.

Trong đợt hạn - mặn lịch sử vừa qua, hàng triệu người dân ĐBSCL rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nguồn nước ngọt ngày càng trở nên quý hiếm trong mùa khô, thật sự là “vàng trắng” của vựa lúa. Chính vì vậy, các địa phương hãy ứng xử khôn ngoan, thận trọng trong kêu gọi đầu tư để có trách nhiệm với tương lai.

Lâu nay người ta gọi sông Hậu một cách trìu mến như sự hiền hòa vốn có từ tên gọi. Cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người con đất An Giang khi viết bài hát “Trở về sông dòng sông tuổi thơ” hẳn đã gắn bó và yêu lắm dòng sông Hậu. Câu hát “sông vẫn như thuở ấy” của ông đã làm nhiều người nhớ da diết về những dòng sông trên đất Chín Rồng!

Phạm Tâm - Tường Vy