1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sau một năm "quá nhiều ngày nghỉ", nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Nhiều công nhân vì hết tiền về quê nên phải ở lại thành phố "cày cuốc". Một số người thì cho rằng một năm qua đã quá nhiều ngày nghỉ nên giờ cần đi làm bù; họ cũng ở lại vì sợ mang nguồn bệnh về nhà.

Công nhân chọn "cày cuốc" xuyên tết sau một năm quá nhiều ngày nghỉ dịch.

Ngày 27 Tết (29/1), tuy không còn đông đúc nhưng nhiều khu trọ ở Tiền Giang vẫn khá nhộn nhịp. Những con đường quanh cụm công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vẫn đông công nhân đi lại, những khu chợ công nhân vẫn ồn ào, đầy ắp hàng hóa.

Sau một năm quá nhiều ngày nghỉ, nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết - 1

Đã gần Tết nhưng khu trọ công nhân vẫn đông người ở lại (Ảnh Nguyễn Cường).

Ông Huỳnh Hữu Trung (62 tuổi) là người quản lý khu nhà trọ thuộc diện lớn nhất ở cụm công nghiệp Trung An với 164 phòng cho biết trong mấy chục năm qua chưa khi nào công nhân ở lại làm xuyên Tết nhiều như bây giờ. Theo khảo sát của ông Trung, hầu hết mọi người đều hết tiền sau những đợt giãn cách xã hội nên đã chọn ở lại làm xuyên Tết để được nhân 2 lần tiền lương.

"Các năm trước tôi cho thuê được hơn 120 phòng, ngày Tết thì không quá 10 phòng có người ở lại. Năm nay dịch bệnh, chỉ cho thuê được hơn 80 phòng nhưng lại có khoảng 30 phòng có người ở lại làm xuyên Tết. Vừa rồi giãn cách xã hội 4 tháng, khu trọ cũng có người mắc Covid-19 phải cách ly thêm nữa nên hầu như ai cũng hết tiền. Mức lương của công nhân ở đây chỉ chừng năm triệu đồng một tháng nên không dư dả gì, làm xuyên Tết thì lương cao hơn nên nhiều người chọn ở lại", ông Trung nói.

Sau một năm quá nhiều ngày nghỉ, nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết - 2

Ông Huỳnh Hữu Trung chia sẻ sau mấy chục năm, lần đầu khu trọ của ông có nhiều người ở lại làm xuyên tết (Ảnh Nguyễn Cường).

Bà Huỳnh Thị Mến là chủ của 2 khu trọ cũng cho biết đây là năm đầu tiên khu trọ của bà có công nhân ở lại làm xuyên Tết. Khu trọ của bà Mến nhỏ nhưng thuộc dạng "cao cấp" nên những công nhân ở đây cũng có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung. Hầu hết những người chọn ở lại là vì sợ về quê sẽ đưa theo nguồn bệnh dịch về, gây mất an toàn cho gia đình.

Đi làm cách nhà chừng 30 km, 6 năm qua tết năm nào chị Trần Thị Mỹ Hạnh (25 tuổi, quê ở Bến Tre) cũng về quê ăn tết tuy nhiên năm nay chị chọn không về. Sau khi trải qua 4 tháng phải nghỉ làm do giãn cách xã hội, vừa đi làm lại thì chị Hạnh bị mắc Covid-19 nên phải nghỉ thêm hơn một tháng nữa. Phần vì hết tiền, phần chị Hạnh cũng cho rằng một năm qua mình đã nghỉ quá nhiều thời gian nên quyết định ở lại làm mấy ngày tết để có thể nhận được thu nhập cao hơn.

Sau một năm quá nhiều ngày nghỉ, nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết - 3

6 năm đi làm xa nhà, lần đầu gia đình chị Trần Thị Mỹ Hạnh không về quê ăn Tết (Ảnh Nguyễn Cường).

Ngồi ở cửa phòng trọ tạm biệt những hàng xóm khác đang khăn gói về quê, vợ chồng anh Châu Hữu Thái (25 tuổi, quê ở TX Gò Công, Tiền Giang) có vẻ man mác buồn. Dù trong xóm trọ có nhiều người ở lại nhưng cũng không chia sẻ được nỗi niềm của người lao động tết xa nhà.

Vợ chồng anh Thái cưới nhau từ năm ngoái, đưa nhau lên Mỹ Tho làm công nhân định bụng kiếm một khoản vốn để về quê lập nghiệp, sinh con. Nào ngờ đi làm chưa được bao lâu thì dịch đến, những chi phí trong mấy tháng giãn cách xã hội cũng phải vay mượn nên vợ chồng anh quyết định ở lại làm để kiếm tiền.

Sau một năm quá nhiều ngày nghỉ, nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết - 4

Vợ chồng anh Châu Hữu Thái quyết định làm xuyên tết để bù đắp cho những tháng ngày phải nghỉ vì dịch (Ảnh Nguyễn Cường).

"Dịch nghỉ nhiều quá, hết sạch tiền rồi nên tết này vợ chồng mình không về mà ở lại cày cuốc. Làm mấy ngày tết cũng được trả lương cao hơn, ra năm thì mình sẽ xin nghỉ phép về sau. Bạn bè với người thân mình năm nay cũng không về tết nhiều, ai cũng khó khăn", anh Thái chia sẻ.

Một công nhân quê ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đi làm cách nhà chỉ gần 20 km nhưng cũng quyết định không về ăn Tết vì sợ mình tiếp xúc với nhiều người, có thể mang mầm bệnh về nhà cho gia đình.

Những năm trước, những người không về Tết trong xóm trọ sẽ tập trung lại ăn bữa tất niên, mọi người cùng góp tiền mua gốc mai để có không khí xuân. Nhưng năm nay phần vì hết tiền, phần vì hạn chế tập trung đông người nên ai ở phòng nấy, không gian trở nên im lìm hơn so với những ngày thường. Trong những xóm trọ, dù còn nhiều người ở lại nhưng ai nấy đều ý thức, họ hạn chế giao tiếp nên dường như không có được không khí Tết cận kề.

Sau một năm quá nhiều ngày nghỉ, nhiều công nhân chọn làm việc xuyên Tết - 5

Chỉ còn một ngày nữa là Tết nhưng khu trọ công nhân dường như vẫn không có gì thay đổi, vẫn đông đúc và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường (Ảnh Nguyễn Cường).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm