Sau dự án chùa Bái Đính, Tam Chúc, Bộ TN-MT đưa ra “cảnh báo”

(Dân trí) - Sau khi chỉ ra “những vấn đề” liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại dự án chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho những dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất để đầu tư, xây dựng khu văn hoá tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Sau dự án chùa Bái Đính, Tam Chúc, Bộ TN-MT đưa ra “cảnh báo” - 1

Chùa Tam Chúc (Hà Nam) đang được coi là chùa lớn nhất thế giới.

Theo Điều 14 Nghị định số 18/2015 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh phải lập ĐTM trình cấp có thẩm quyền phê duyệt căn cứ trên đặc thù, tính chất của dự án như cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, địa điểm thực hiện (cơ cấu sử dụng đất), quy mô, diện tích…

Cụ thể, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Dự án có sử dụng từ 1 hecta đất vườn quốc gia; dự án có sử dụng từ 2 hecta đất trở lên của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; từ 10 hecta của khu di sản thế giới hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, từ 20 hecta đất trở lên của khu dự trữ sinh quyển; dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, gồm: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của UBND cấp tỉnh, gồm các dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng phê duyệt ĐTM của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Đối với các dự án triển khai xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng, đồng thời Bộ có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho phép dự án được tiếp tục triển khai sau khi đã làm rõ hiện trạng triển khai xây dựng dự án, các tác động tới môi trường và xã hội, các rủi ro môi trường là hậu quả của việc triển khai dự án chưa có ĐTM, buộc có các phương án giảm thiểu tác động, khắc phục thiệt hại, thậm chí phá dỡ các công trình xây dựng không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội”- Bộ này nhấn mạnh.

Việc xem xét cho phép tiếp tục triển khai dự án chỉ được thực hiện sau khi chủ dự án đã đánh giá tác động đầy đủ về mặt môi trường, xã hội trong các giai đoạn tiếp theo của dự án, có các biện pháp giảm thiểu tương ứng được Hội đồng thẩm định chấp thuận nhằm bảo đảm dự án vẫn phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, với quan điểm không để dự án trở thành dự án treo, lãng phí tài nguyên, cản trở phát triển của địa phương.

Sau dự án chùa Bái Đính, Tam Chúc, Bộ TN-MT đưa ra “cảnh báo” - 2

Chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Đề nghị rà soát các dự án đầu tư đang xin cấp phép

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề môi trường khi xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ việc cấp phép đầu tư cho những dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh sau khi đã đánh giá đầy đủ giữa chi phí và lợi ích của việc thực hiện dự án.

“Rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư đang xin cấp phép, các dự án đang triển khai để có những biện pháp điều chỉnh và quản lý phù hợp trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững”- Bộ này trả lời đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các dự án có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án có liên quan đến các khu di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, khu bảo tồn, di tích lịch sử văn hóa mà chưa có đánh giá đầy đủ tác động tới môi trường.

Những “vấn đề” tại 3 đại dự án xây dựng chùa

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 hecta để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 hecta để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 hecta để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất; không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Tại dự án chùa Tam Chúc, từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án.

Trong đó, Quyết định số 1364 ngày 04/11/2008 cho doanh nghiệp này thuê đất với diện tích 509,0 hecta, thời hạn 50 năm. Quyết định số 1380 ngày 09/11/2011 giao 306,1 hecta đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quyết định giao đất của tỉnh Hà Nam còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (ATK) Định Hóa có quy mô sử dụng đất là 19,9 ha thì đến nay UBND tỉnh Thái Nguyên chưa giao đất cho doanh nghiệp. Lý do là doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.

Thế Kha