1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Sau bão Yagi, Hà Nội "cứu" cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu

Dân trí

(Dân trí) - Trong số những cây có thể "cứu" sau bão Yagi có 9 cây Sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị và 94 cây cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như Sanh, Si, Đa, Đề tại khu vực Đền Bà Kiệu, Hồ Gươm.

Tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội" (Video: Phạm Tiến).

Sau cơn bão Yagi (bão số 3), trên địa bàn TP Hà Nội có hàng chục nghìn cây xanh bị gãy đổ. Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh trên các tuyến phố chính do thành phố quản lý; còn lại là cây do các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi đi kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng sau bão Yagi đã lưu ý các đơn vị, địa phương đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngay sau đó cũng yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc rồi trồng lại vào vị trí phù hợp trên địa bàn.

Sau bão Yagi, Hà Nội cứu cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu - 1

Cây trước tháp Hòa Phong (nút giao Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng) bật gốc sau bão Yagi (Ảnh: Minh Nhân).

Đối với cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm cần thực hiện cắt cành, tán đảm bảo cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Đối với cây đổ ra lòng đường, sau cắt tỉa cần di chuyển lên vỉa hè, dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng và những đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh thống nhất vị trí đào vỉa hè, trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp.

Sau bão Yagi, Hà Nội cứu cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu - 2

Tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội" phát sóng trực tiếp trên báo Dân trí vào lúc 10h ngày 19/9.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến có hơn 3.000 cây có thể được trồng lại, trong đó có hơn 100 cây quý hiếm.

Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội là vấn đề được người dân rất quan tâm thời điểm này.

Để rộng đường dư luận, cũng như giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình, thời gian mà Hà Nội sẽ khôi phục, trồng lại các cây xanh bị gãy đổ, hôm nay (19/9), báo Dân trí tổ chức buổi tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội".

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp); TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội).