Sau án oan ông Chấn, Bắc Giang lắp camera tại phòng xét xử
(Dân trí) - Tỉnh Bắc Giang vừa nghiệm thu đề án lắp đặt hệ thống camera quan sát đặt cố định tại 10 phòng xét xử chính của 10 TAND huyện, thành phố và 2 phòng xét xử của TAND tỉnh. Máy chủ trung tâm đặt tại VKSND tỉnh Bắc Giang.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức nghiệm thu đề án “Triển khai lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin quan sát các phiên tòa”. Đề án này được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang phê duyệt và giao cho giao cho VKSND tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với TAND tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện.
Theo thông tin từ VKSND Tối cao, đề án được triển khai từ tháng 3/2015 với tổng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng từ ngân sách tỉnh.
Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát, công tác xét xử của tòa án và nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ, cũng như giám sát đảm bảo chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, thực sự dân chủ, khách quan theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng ứng dụng camera IP (Camera Internet protocol). Hình ảnh, âm thanh có thể được quan sát, nghe bằng máy vi tính để bàn, laptop, smartphone, Ipad, ti vi…
Ngoài ra hệ thống còn có thể tích hợp với hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến thành một giải pháp tổng thể ứng dụng trong các hệ thống ghi hình, truyền hình và trao đổi, thảo luận, hội họp trực tiếp qua internet.
Hệ thống camera quan sát đã được lắp đặt cố định tại 10 phòng xét xử chính của 10 TAND huyện, thành phố và 2 phòng xét xử của TAND tỉnh. Máy chủ trung tâm đặt tại VKSND tỉnh Bắc Giang. Qua gần 5 tháng chạy thử nghiệm, hệ thống camera quan sát các phiên tòa được đánh giá tốt, phát huy tác dụng hữu hiệu, đạt được yêu cầu, mục đích đề ra.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao ghi nhận và đánh giá cao những hiệu quả, tác dụng của đề án mang lại đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
“Đây chính là điều mà nhân dân chờ đợi, làm sao cho phiên tòa công khai, minh bạch, chất lượng, không oan, không lọt”- ông Bình nói.
Theo ông Bình, hệ thống camera quan sát không chỉ có tác dụng đối với VKSND, TAND mà còn giúp các điều tra viên thấy được quá trình tranh tụng, ý kiến bị cáo phản bác chứng cứ cơ quan điều tra thu thập ra sao, từ đó rút kinh nghiệm. Theo dõi các phiên tòa trực tuyến là con đường ngắn nhất để đội ngũ cán bộ tư pháp tự đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ.
Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển, hoàn thiện đề án và liên tục cập nhật, áp dụng khoa học công nghệ mới, chủ động nâng cấp hệ thống để phát huy tối đa hiệu quả, góp phần ngày một nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đề án này được triển khai sau khi tỉnh Bắc Giang trở thành “điểm nóng” trong hoạt động tư pháp khi xảy ra một số vụ án oan sai và nghi oan sai đang trong quá trình giải quyết như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ án của ông Hàn Đức Long, bà Đỗ Thị Hằng...
Thế Kha