1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Thuận:

Sau 72 năm, sự kiện thảm sát Ấp Nam mới được công nhận là di tích lịch sử

(Dân trí) - Trong 2 ngày 14 và 15/9/1947, 106 người dân ấp Nam đã bị quân Pháp giết chết trong đợt giết sạch, đốt sạch. 72 năm trôi qua, chỉ duy nhất 1 nhân chứng còn sống, sự kiện thảm sát Ấp Nam mới được ghi nhận.

Ấp Nam là tên gọi của một xóm trước đây thuộc làng An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Sau quá trình phân chia địa giới hành chính, Ấp Nam hiện nay thuộc địa bàn thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Ấp Nam đã kiên cường bám trụ quê cha đất tổ, không hàng Pháp. Do đó, quân Pháp cho rằng Ấp Nam là nơi cứ điểm trọng yếu của chính quyền cách mạng và đã nhiều lần đưa quân đến ép dân Ấp Nam phải tập trung về làng An Thạnh để quản lý, nhưng dân Ấp Nam kiên quyết bám trụ làng xóm, không chịu rời đi.

Đến 5h sáng 14/9/1947 (tức ngày 30/7 năm Đinh Hợi), quân Pháp xuống An Thạnh rồi kéo đến Ấp Nam bao vây làng và cưỡng bức người dân về nơi tập trung mà chúng chọn sẵn. Nhân dân Ấp Nam đấu tranh quyết liệt, thà chết chứ không bỏ làng. Trước sự phản ứng quyến liệt dân Ấp Nam, quân Pháp đã nã súng vào đám đông người, giết sạch, đốt sạch nhà cửa của dân, làm hơn 75 ngôi nhà bị đốt cháy và 96 người dân (trong đó có người già và trẻ nhỏ) bị giết.

Sáng hôm sau, ngày 15/9/1947, quân Pháp quay trở lại vây quét và bắn chết thêm 10 người nữa. Như vậy, có tổng cộng 106 người dân ở Ấp Nam bị sát hại trong hai ngày 14 và 15/9/1947.

Mãi 72 năm sau, sự kiện thảm sát Ấp Nam mới được ghi nhận với những bằng chứng xác thực. Và ngày 22/3, UBND xã An Hải cùng người dân nơi đây đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho thôn Ấp Nam là nơi gắn liền với sự kiện thảm sát Ấp Nam năm 1947.

UBND xã An Hải cùng người dân nơi đây đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho thôn Ấp Nam là nơi gắn liền với sự kiện thảm sát Ấp Nam năm 1947
UBND xã An Hải cùng người dân nơi đây đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho thôn Ấp Nam là nơi gắn liền với sự kiện thảm sát Ấp Nam năm 1947

Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1934) là người đã chứng kiến vụ thảm sát này khi còn là 1 cậu thiếu niên. Hiện ông là nhân chứng còn sống duy nhất của sự kiện thảm sát Ấp Nam và kể lại cho con cháu nghe về sự kiện tang thương này. Chia sẻ cùng PV Dân Trí, ông bảo ông còn nhớ như in cái ngày khủng khiếp ấy, nó ám ảnh tâm trí ông suốt 72 năm qua.

Ông kể: “Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng lũ trẻ trong làng đi chăn dê cừu. Chúng tôi đưa gia súc lên đến động cát Nam Cương, nơi có những đồi cát cao, nhìn quanh tứ phía Đông, Bắc, Tây, Nam thì thấy đều có giặc Pháp đang tiến về thôn Ấp Nam. Sau đó không lâu, có một toán giặc Pháp đi tới và hỏi chúng tôi ở đâu. Có đứa nhanh miệng nói là Ấp Nam thì có anh thông ngôn người Việt tốt bụng nhắc là ở Từ Tâm, ảnh nói chúng tôi không được nói là ở Ấp Nam. Chúng tôi nghe theo, nên tất cả đều nói là ở Từ Tâm.  Nhờ vậy mà chúng tôi thoát chết”.

Ông cùng các bạn trốn lại ở đồi cát thì một lúc sau nghe tiếng súng nổ dày đặc ở phía ấp Nam. Một lúc nữa thì thấy khói đen cuồn cuộn bốc lên cùng với ngọn lửa đỏ ngầu.

Ông Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại lễ đón nhận Bằng xếp hạnh di tích lịch sử cấp tỉnh cho thôn Ấp Nam
Ông Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại lễ đón nhận Bằng xếp hạnh di tích lịch sử cấp tỉnh cho thôn Ấp Nam

Ông nghẹn nghèo nhớ lại: “Tui thương mẹ nên lén chạy về làng. Băng qua những đường tắt, nhỏ xíu, phủ đẩy lửa và khói, tóc và chân mày của tôi bị cháy rụi, quần áo mấy lần bị cháy xém. Bước vào xóm, nhìn hai bên đường, ngoài sân, trong nhà, xác chết nằm ngổn ngang. Người mất đầu, người mất tay, chân… không có ai chết mà hình hài nguyên vẹn cả. Bị lửa thiêu đốt, nhà cháy, người chết trong tư thế chân tay co quắp, người xiên xẹo đủ kiểu...”.

“Khi tôi vô được nhà mình, lúc ấy nhà tôi đang bị đốt cháy, dưới nền nhà cảnh tượng mẹ tôi đã bị chết, trúng một viên đạn chính giữa trán, trong lòng  mẹ tôi còn ôm chặt em út bị thương nặng, máu chảy đầm đìa. Bên cạnh là chị gái tôi đã chết và lửa đang bén vào người. Tui dắt em út của tui đi về phía rừng. May gặp mấy anh du kích giúp đỡ băng bó vết thương nên em tôi qua khỏi”, ông Thọ kể lại.

Ông Nguyễn Văn Thọ - nhân chứng sống duy nhất của sự kiện thảm sát Ấp Nam năm 1947
Ông Nguyễn Văn Thọ - nhân chứng sống duy nhất của sự kiện thảm sát Ấp Nam năm 1947

Ông Thọ bảo: “Dù có bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa, tôi không bao giờ quên được sự kiện đó!”. Bởi thế nên, khi được xã mời dự lễ công bố di tích lịch sử Ấp Nam, ông vô cùng xúc động vì cuối cùng sự kiện tang thương ấy cũng được lịch sử ghi nhận, có nhiều người chia sẻ bớt nỗi đau đớn đã đeo đuổi ông suốt 72 năm dài.

Đức An