Hà Nội
Sạt mái đê sông Hồng, một học sinh tụt cống mất tích
(Dân trí) - Một học sinh lớp 7 trên đường đi học đã lọt xuống cửa cống thoát nước tại khu vực Nam Đồng mất tích, chưa tìm thấy xác. Đê sông Hồng tại các đoạn Mê Linh, Đan Phượng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, lở bờ sông.
Liên tiếp trong ngày hôm qua và hôm nay, mưa lớn kéo dài gây ngập úng làm 11 người chết, mất tích trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thông tin ban đầu mà Dân trí có được, khoảng 7h15 ngày 1/11, cháu Nguyễn Vân Anh (tên cũ Trần Tú Quyên, trú tại nhà số 1 ngõ 15, phố Thái Thịnh), học sinh lớp 7A - Trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trên đường đi học đã lọt xuống cửa cống thoát nước đường Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ.
Đến 13h, người thân nạn nhân và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được thi thể của cháu. Trước đó, khoảng 8h30, chiếc xe đạp của cháu Quyên đã được tìm thấy.
Cháu Trần Tú Quyên là trường hợp học sinh thứ 3, tính đến 14h chiều nay, bị chết và mất tích do mưa lớn kéo dài.
Báo cáo nhanh của các quận huyện, tính đến sáng 1/11, địa bàn Hà Nội đã có 9 người thiệt mạng do sét đánh, chết đuối, trong đó huyện Chương Mỹ 5 người (2 trường hợp là công an xã), Mê Linh 3 người, Thạch Thất 1 người.
Thiệt hại 3000 tỷ đồng, 10.000 nhà dân bị ngập
Tin từ UBND thành phố Hà Nội, đến sáng 1/11, theo ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại do trận mưa lớn kỷ lục từ đêm 30/10 đã lên đến xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa và nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng.
Diện tích cây trồng vụ Đông bị úng ngập, khả năng không còn cho thu hoạch lên đến 45.000 ha, giá trị thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng.
Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha, ước thiệt hại khoảng 810 tỷ đồng.
Mưa lớn gây sự cố mất điện nhiều khu vực như trạm Ba La, Đồng Bông, Cầu Diễn, Mễ Trì, gây nhiều khó khăn cho việc bơm tiêu chống úng, điều hành chỉ đạo chống úng và sinh hoạt của nhân dân.
Theo TTXVN |
Sau hơn một ngày mưa liên tục, mực nước tại các sông mương hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hoà nên việc thoát nước trên toàn địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở với công suất 45 m3/s. Tuy nhiên, đến 23h00 ngày 31/10, mực nước trên kênh dẫn vào trạm bơm đã đạt cao độ tương đương với cao độ của sàn máy bơm.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo sở Xây dựng đã xuống chỉ đạo trực tiếp tại trạm bơm.
Đê sông Hồng sạt lở nhiều đoạn
Tin từ UBND TP Hà Nội, tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông. Trong đó, huyện Mê Linh xảy ra hiện tượng sạt trượt mái đê khu vực xã Chu Phan, sạt lở bờ sông khu vực xã Tráng Việt.
Huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ sông thuộc xã Liên Trung. Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà, nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở.
Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn ngưỡng tràn từ 1 - 2m. Nguy cơ đe dọa đến an toàn của hồ đập, trong đó có hồ Miễu (huyện Chương Mỹ) và hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức).
Từ hôm qua, mưa lớn đã chia cắt nhiều khu dân cư nội ngoại thành, hệ thống thoát nước của Hà Nội trong tình trạng khó kiểm soát.
Theo dự báo của TTKTTV trong ngày hôm nay lượng mưa tiếp tục bổ sung từ 150 đến 200 mm. Vì vậy, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội một mặt vẫn đang cho trạm bơm hoạt động hết công suất, mặt khác theo dõi chặt chẽ mực nước khi đạt đến cốt gây mất an toàn sẽ dừng hoạt động của trạm khi có lệnh.
Phúc Hưng