1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Sắp thanh tra vụ cả trăm huân, huy chương “ngủ” trong tủ hàng chục năm

(Dân trí) - Vụ hàng trăm huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công bị bỏ quên trong tủ làm việc của một cán bộ ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An giang) hàng chục năm, sắp được thanh tra để xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức.

Theo báo cáo của thị trấn Ba Chúc gửi về ngành chức năng tỉnh An Giang, vụ việc hy hữu này được phát hiện khi một cán bộ phụ tránh mảng thương binh xã hội của UBND thị trấn Ba Chúc tên Son chết vào cuối năm 2015.

Khi ông Phạm Văn Thành lên thay thế nhiệm vụ của cán bộ này, trong một lần mở tủ của ông Son tìm tài liệu, ông Thành phát hiện rất nhiều bằng khen, huân chương, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công có từ những năm 1975 và năm 1987…

Ông Thành đã báo cáo với Đảng ủy, UBND thị trấn Ba Chúc, tiến hành thống kê, có tổng cộng 122 bằng khen, huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công các loại.

Trong số đó có 27 huân chương kháng chiến tặng cho liệt sĩ, 18 huy chương kháng chiến, 12 huân chương quyết thắng (liệt sĩ), 7 huân chương chiến sĩ vẻ vang, 8 huân chương giải phóng (dành cho các tập thể xã Ô Lâm và thị trấn Ba Chúc), 27 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 6 bằng khen UBND tỉnh An Giang và 10 bằng Tổ quốc ghi công...

Những bằng Huân, Huy chương, bằng Tổ quốc ghi công đa phần được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký từ những năm 1975 và những năm 1987
Những bằng Huân, Huy chương, bằng Tổ quốc ghi công đa phần được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký từ những năm 1975 và những năm 1987

Sau khi phát hiện vụ việc, Đảng ủy, UBND thị trấn Ba Chúc rà soát lại sự việc và được biết, các gia đình chính sách này đều nhận tiền chính sách đầy đủ. Chỉ có một số gia đình đã nhận bằng khen nhưng chưa được nhận tiền.

Ông Võ Văn Phước – ngụ thị trấn Ba Chúc - cho biết: "Cha tôi đi lính và chết khi tôi còn rất nhỏ. Khoảng năm 2002, tôi thấy mẹ được nhận huy chương kháng chiến hạng nhì. Ngày 10/6 vừa qua, tôi vô cùng bất ngờ khi chính quyền địa phương mời tôi lên trao Huân chương kháng chiến hạng Ba cho cha mẹ tôi. Huân chương được đồng chí Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh ký tặng vào ngày 21/3/1987".

Ông Phước và nhiều hộ dân khác đang thắc mắc, người thân chỉ nhận được Huân chương, không thấy quyết định và tiền khen thưởng. Hơn nữa, nếu số tiền được nhận đúng thời điểm khen tặng thì không chỉ có giá trị lớn về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tình thần cho người thân, con cháu khi được Đảng nhà nước ghi công. Còn nay đã 20 năm, con cháu mới nhận được thành tích của các cụ thì bà con có chút buồn phiền...


Ngày 10/6 vừa qua, ông Võ Văn Phước vô cùng bất ngờ khi được chính quyền địa phương mời lên trao Huân chương kháng chiến hạng Ba cho cha mẹ của ông.

Ngày 10/6 vừa qua, ông Võ Văn Phước vô cùng bất ngờ khi được chính quyền địa phương mời lên trao Huân chương kháng chiến hạng Ba cho cha mẹ của ông.

Ngày 14/6, Đảng ủy, UBND huyện Tri Tôn đã mời những gia đình chính sách vừa nhận huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công muộn hàng chục năm đến UBND thị trấn Ba Chúc, công khai xin lỗi người dân. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo huyện Tri Tôn đã hứa sớm giải quyết các chế độ chính sách liên quan cho các gia đình có công.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Công Bằng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - cho biết: "Sau khi phát hiện sự việc, thời gian qua, Sở và chính quyền địa phương tập trung vào việc thống kê và nhanh chóng tìm kiếm các gia đình có công được tặng huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công để trao tặng ngay. Còn đối với các gia đình đã rời khỏi địa phương, chúng tôi cũng đang thông báo rộng rãi và tiếp tục tìm cách liên hệ".

Trong tuần tới, sẽ có quyết định thanh tra, khi đó đoàn sẽ thanh tra cụ thể từng việc nhưng chủ yếu tập trung làm rõ vì sao các huy, huân chương, bằng Tổ quốc ghi công nằm yên trong tủ suốt hàng chục năm trời. Từ đó, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào sẽ báo cáo cho UBND tỉnh có hướng xử lý.

"Khi có kết luận thanh tra rõ ràng, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với UBND tỉnh trong việc nâng các chế độ kèm theo cho các gia đình chính sách. Vì bà con nhận thưởng cách hàng chục năm, có nhiều thiệt thòi về vật chất", ông Bằng nói thêm.

Nguyễn Hành