Sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện tầm nhìn, khát vọng
(Dân trí) - Sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là sự thay đổi về địa giới, mà còn là cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn và khát vọng.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM (Ban chỉ đạo) tại phiên họp thứ nhất.
Tập thể lãnh đạo 3 tỉnh, thành đã phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ban chỉ đạo nhận định, việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu theo chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư không chỉ là sự thay đổi về địa giới, mà còn là cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn và khát vọng.
Việc này nhằm tạo cơ hội mới cho sự phát triển bền vững trong tương lai, xây dựng TPHCM trở thành siêu đô thị hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Việt Nam và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành cũng góp phần tăng cường kết nối vùng, tạo chuỗi cung ứng, khẳng định vị thế, xây dựng TPHCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, logistics, hợp tác, cạnh tranh với các siêu đô thị ở Châu Á.
TPHCM mới là nơi gắn kết bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử 3 địa phương, tạo khối đoàn kết, thống nhất đa dạng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, nhân văn hơn và không gian văn hóa Hồ Chí Minh được lan tỏa sâu rộng hơn.
Qua phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Tỉnh ủy Bình Dương, Thành ủy TPHCM thống nhất tập trung thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đưa các chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống kịp thời và hiệu quả; hoàn thiện các đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp trình cấp thẩm quyền theo quy định.
Các địa phương cũng chú trọng chọn lựa và bố trí nhân sự đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình, điều kiện mới, bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị vận hành đồng đều, thông suốt, minh bạch theo mô hình tổ chức mới, gần dân, sát dân, phục vụ người dân tốt hơn.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu rà soát, nghiên cứu xây dựng chính sách cho người hoạt động không chuyên trách đã qua đào tạo, thử thách, có điều kiện và khả năng phát triển được tiếp tục đào tạo, bố trí vào các cơ quan, đơn vị phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng theo chủ trương, quy định.
Các địa phương chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy phường, xã, đặc khu; xây dựng phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM (khi hợp nhất, sáp nhập); phân tích, đánh giá kỹ, toàn diện đối với từng trường hợp bố trí, sử dụng đảm bảo đáp ứng đầy đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.