Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thế nào?

Hoài Thu

(Dân trí) - Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán giai đoạn chuyển tiếp sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi bỏ cấp huyện; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã.

Sáng 28/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, chuyên gia và kết nối trực tuyến tới các địa phương về phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, thay đổi, sáp nhập địa giới hành chính các địa phương, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi cách tiếp cận, tư duy trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Ông nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải mang tính động, mở và dự báo dài hạn, xác định rõ những vấn đề cần kiểm soát, quản lý nhưng dứt khoát không để "không biết, không quản được thì cấm".

Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thế nào? - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc về phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Minh Khôi).

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, phải tạo không gian phát triển và sáng tạo cho địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhằm phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị...

Một mục tiêu khác của điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, theo ông Ngân, nhằm đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cho rằng cần quy định giai đoạn chuyển tiếp cho phép sử dụng quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn… đang có, trong thời gian tính toán, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sau khi hoàn thành hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện.

Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thế nào? - 2

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân (Ảnh: Minh Khôi).

Khẳng định sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, chuyên ngành, vùng, tỉnh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, căn cứ mục tiêu tăng trưởng 2 con số cần ưu tiên cho quỹ đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.

GS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, cho rằng trong điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia lần này, cần phân cấp mạnh, trao quyền cho địa phương, còn Trung ương chỉ quản lý, kiểm soát một số chỉ tiêu quan trọng (đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng, an ninh…).

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất phương án điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất; tính toán giai đoạn chuyển tiếp sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi bỏ cấp huyện cũng như trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã.

Ông cũng lưu ý cần thống nhất cơ chế, nguyên tắc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng các loại đất trong trường hợp các địa phương hoàn thành sáp nhập.

"Quy hoạch lần này thể hiện tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tích hợp với các quy hoạch khác, lấy quy hoạch xây dựng làm trung tâm", Phó Thủ tướng nói.

Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thế nào? - 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp (Ảnh: Minh Khôi).

Đối với đất nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị đổi mới tư duy quản lý; xem xét điều chỉnh, chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy hải sản, trồng rau màu, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, xem xét tiêu chí phân loại đất lâm nghiệp đang trồng các loại cây công nghiệp với đất có rừng che phủ, bảo vệ môi trường để quản lý tách bạch, rõ ràng.

Ông cũng lưu ý khi điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần có cơ chế mở, linh hoạt để điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phục vụ các công trình cấp bách ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thể dự báo được; cơ chế bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất quốc gia đối với các diện tích đất hình thành từ hoạt động lấn biển; phân cấp cho địa phương chủ động huy động nguồn lực thực hiện cải tạo, phục hồi diện tích đất bị ô nhiễm, hoang hóa…