Sắp hoàn trả 2.500 tỷ đồng cho 28.000 đương sự trong đại án FLC
(Dân trí) - Trưởng Thi hành án dân sự TP Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết sắp ban hành kế hoạch triển khai hoàn trả xấp xỉ 2.500 tỷ đồng cho 28.000 đương sự trong đại án xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Ông Phạm Văn Dũng nói mỗi năm Thi hành án dân sự TP Hà Nội phải xử lý khoảng 75.000 việc, tương ứng số tiền 100.000 tỷ đồng.
“Năm ngoái chúng tôi đã thi hành xong đại án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh (với 8.643 tỷ đồng hoàn trả cho 6.630 đương sự liên quan - PV). Ngày 15/7 tới đây sẽ tiếp tục triển khai hoàn trả vụ án ở Tập đoàn FLC với 28.000 đương sự, số tiền xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm, tòa án sẽ xử vụ Liên Kết Việt và nhiều đại án khác, tạo áp lực rất lớn với anh em thi hành án dân sự Hà Nội”, ông Dũng cho hay.

Trưởng Thi hành án dân sự TP Hà Nội Phạm Văn Dũng (Ảnh: Thế Kha).
Trước thực tế đó, Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng thương mại để rút ngắn thời gian hoàn trả tiền, giảm sức ép cho cán bộ.
“Chúng tôi đang triển khai hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện bằng được chuyển đổi số trong toàn hệ thống thi hành án dân sự ở Thủ đô. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện tối đa ở 30 địa điểm thuộc 12 Phòng Thi hành án dân sự khu vực nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Do hàng loạt cán bộ thi hành án xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 của Chính phủ nên Thi hành án dân sự Hà Nội đang thiếu hụt khoảng 60 người, trong khi khối lượng công việc ngày một tăng lên.
“Năm nay, số lượng đại án được đưa ra xét xử tăng đột biến nên cán bộ, công chức thi hành án dân sự phải cố gắng gấp 2-3 lần để đảm đương được nhiệm vụ”, ông Dũng nêu thực tế.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 8/2024 (Ảnh: Minh Đức).
Trước đó, năm 2024, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội (từ ngày 1/7 là Thi hành án dân sự TP Hà Nội) phải thi hành hơn 72.400 việc với hơn 96.700 tỷ đồng, đã giải quyết xong hơn 46.900 việc với hơn 25.000 tỷ đồng.
Nhiều vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước, có khó khăn, vướng mắc, vi phạm, bị khiếu nại, tố cáo, bức xúc kéo dài được nhiều cơ quan các cấp và dư luận quan tâm đã được thi hành án Hà Nội giải quyết xong dứt điểm, đúng quy định để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Điển hình như vụ Khánh Dần ở huyện Thạch Thất (cũ), vụ Sang Tính ở huyện Thường Tín (cũ), vụ Chúc Tỉnh và vụ Chợ Sáng ở quận Nam Từ Liêm (cũ), vụ Mệ Chí ở huyện Phúc Thọ (cũ)…
Ông Trịnh Văn Quyết được giảm 14 năm tù
Sáng 26/6 vừa qua, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với 25 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
HĐXX phúc thẩm cho biết, bị cáo Trịnh Văn Quyết có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án gần 2.500 tỷ đồng (nộp thừa hơn 20 tỷ đồng). Quá trình xét xử, gia đình cựu Chủ tịch FLC nộp thêm hơn 24,5 tỷ đồng để đảm bảo nếu được HĐXX phúc thẩm chấp nhận chuyển hình phạt đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán từ phạt tù sang phạt tiền.
Trước khi diễn ra phiên toà phúc thẩm, hơn 110 bị hại trong vụ án có đơn xin giảm án cho ông Quyết. Bên cạnh đó, còn hơn 5.000 lá đơn của các cá nhân, tập thể trên khắp cả nước có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch FLC.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết tổng hình phạt là 7 năm tù - so với án sơ thẩm ông Quyết được giảm 14 năm tù.