1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng kiến giúp dân bớt bị “hành là chính”

(Dân trí) - Giải quyết thủ tục hành chính là nỗi ám ảnh đối với không ít người dân khi mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn của các cơ quan quản lý còn “lình kình làng càng”. Nhiều công chức trẻ ở TPHCM đã cho ra đời những sáng kiến để giúp dân không bị “hành”.

Thông tin hóa lĩnh vực hành chính

Xuất phát từ thực tế “đường đi” hồ sơ hành chính của người dân còn mất nhiều công đoạn, nhất là trong khâu thông tin từ phía cơ quan hành chính; công chức có thể phải điện thoại thông báo hoặc phải nghe điện thoại hỏi về tình trạng hồ sơ nên mất nhiều thời gian cho chuyên môn, cô gái Nguyễn Thị Trung Tính, công tác tại phường 15, Q. Bình Thạnh, TPHCM tham mưu với lãnh đạo xây dựng và áp dụng quy trình đăng ký giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ tin nhắn.

Anh Nguyễn Trần Vũ Phương, cán bộ trẻ ở Q.6, TPHCM trong quá trình tiếp xúc với người dân. Anh Phương là một trong 20 gương mặt công chức trẻ được Thành đoàn tuyên dương
Anh Nguyễn Trần Vũ Phương, cán bộ trẻ ở Q.6, TPHCM trong quá trình tiếp xúc với người dân. Anh Phương là một trong 20 gương mặt công chức trẻ được Thành đoàn tuyên dương

Trung Tính chia sẻ, khi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, người dân để lại số điện thoại di động và yêu cầu báo kết quả qua tin nhắn. Công chức thụ lý nhập thông tin vào phần mềm. Hồ sơ được giải quyết xong thì lập tức tin nhắn sẽ tự động gửi đến người dân để họ biết mà sắp xếp thời gian đến nhận, tránh mất thời gian, công sức phải đi lại, đặc biệt các trường hợp ở xa.

Sáng kiến được áp dụng từ đầu tháng 6/2016, qua hai tháng hiệu quả đã được thể hiện thông qua trên 80 hồ sơ được giải quyết thông qua dịch vụ này.

Mỗi năm, 50 doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM phải nộp hơn 8.000 báo cáo tình hình hoạt động cho các Sở ban ngành, các báo cáo được thực hiện thủ công, chưa có công cụ hỗ trợ. Còn phía quản lý cũng rất khó khăn trong việc quản lý và tìm kiếm các báo cáo và tổng hợp gửi cho UBND thành phố.

Từ thực trạng đó, nữ Thạc sĩ Đậu Thị Ngọc Mai, công tác tại Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đề xuất sáng kiến Xây dựng hệ thống Thông tin quản lý doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM (Trang thông tin điện tử Tiếp nhận báo cáo Doanh nghiệp nhà nước).

Một trang thông tin điện tử được xây dựng nhằm công bố tất cả các báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được tiếp nhận qua việc nộp các báo cáo trực tuyến. Từ các báo cáo nộp trực tuyến của các doanh nghiệp, hệ thống tự động cung cấp các báo cáo phục vụ cho việc chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo cấp thành phố, cung cấp thông tin đến các cấp chính quyền, công dân, doanh nghiệp.

Hệ thống này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mà hoạt động các doanh nghiệp nhà nước cũng được công khai để người dân biết tường tận, chính xác.

"Nâng cấp" công tác kiểm sát điều tra hình sự

Trong quá trình làm việc, anh Nguyễn Ngọc Thanh, kiểm sát viên Viện kiểm sát Q.1, TPHCM rất băn khoăn việc làm thế nào đảm bảo cho chất lượng hồ sơ Kiểm sát điều tra kết thúc chuyển Viện Kiểm sát truy tố mà không phải trả điều tra bổ sung, đồng thời tránh được tình trạng phải gia hạn điều tra vụ án làm việc giải quyết vụ án phải kéo dài không cần thiết.

Anh Nguyễn Ngọc Thanh, kiểm soát viên đưa ra sáng kiến Nhật ký kiểm sát điều tra hỗ trợ cho công tác điều tra hình sự hiệu quả hơn
Anh Nguyễn Ngọc Thanh, kiểm soát viên đưa ra sáng kiến Nhật ký kiểm sát điều tra hỗ trợ cho công tác điều tra hình sự hiệu quả hơn

Từ vướng mắc đó, anh Thanh đề xuất sáng kiến Nhật ký kiểm sát điều tra. Trong quá trình điều tra, kiểm sát viên và điều tra viên phải phối hợp để liên tục cập nhật quá trình kiểm sát điều tra. Trong đó có những nội dung như cơ quan điều tra đã làm được những gì, thiếu những chứng cứ, tài liệu gì và cần bổ sung những tài liệu gì…

Qua đó, kiểm sát viên sẽ nắm chặt hồ sơ, kịp thời phát hiện những tình tiết mới để định hướng cơ quan điều tra giải quyết nhằm đảm bảo cho quá trình truy tố và xét xử sau này. Từ khi được phân công thụ lý vụ án, sau khi phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam bị can… thì Kiểm sát viên phải lập nhật ký điều tra.

Trong nhật ký thể hiện rõ quá trình tố tụng của vụ án bắt đầu từ khi khởi tố đến khi kết thúc điều tra. Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên và Điều tra viên phải chủ động phối hợp với nhau liên tục cập nhật quá trình kiểm sát điều tra. Trong đó có những nội dung như cơ quan điều tra đã làm được những gì, thiếu những chứng cứ, tài liệu gì và cần bổ sung những tài liệu gì…

Qua đó, kiểm sát viên sẽ nắm chặt hồ sơ, kịp thời phát hiện những tình tiết mới để định hướng cơ quan điều tra giải quyết nhằm đảm bảo cho quá trình truy tố và xét xử sau này.

Sáng kiến được áp dụng từ năm 2015, đảm bảo án do Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát không có thiếu sót, hạn chế án trả điều tra bổ sung và đảm bảo được tỉ lệ giải quyết án 100% theo đúng chỉ tiêu công tác. Đồng thời giảm thiểu việc gia hạn điều tra vụ án, tránh được tình trạng Điều tra viên lơ là không tập trung vào việc giải quyết vụ án để vụ án kéo dài không cần thiết.

Trên đây là 3 trong 20 gương mặt chức trẻ tuổi với những sáng kiến của mình vừa được Thành Đoàn TPHCM tuyên dương. Trong danh sách tuyên dương không thể không nhắc đến anh Võ Đức Tân, làm việc tại Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM. Anh là người nghĩ ra nhiều sáng kiến nhằm giảm bớt thời gian đi lại hội họp ở các cấp và ban ngành nhằm góp phần tiết kiệm thời gian nâng cao chất lượng làm việc tại cơ quan.

Ngoài ra, anh Tân cũng đưa ra nhiều giải nâng cao chất lượng cuộc họp (không bị gián đoạn, không bị mất kết nối), phối họp với các đơn vị xử lý nhanh các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành.

Mỗi người một lĩnh vực, họ không ngừng sáng tạo ra các ý tưởng, các sáng kiến để hỗ trợ công việc của mình và đồng nghiệp hiệu quả, chất lượng hơn. Hiệu quả công việc chính là cách xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện, gần gũi về công chức nhà nước trong mắt người dân.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)