1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lâm Đồng:

Sân golf lấy đất, cả làng bán trâu

Cả làng Ròn ở huyện Đơn Dương phải bán trâu vì không còn đất trồng cỏ cho trâu ăn. Mới vài tháng mà người dân ở làng Ròn xã Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng) đã bán hơn 300 con trâu, thu về mấy tỷ bạc.

 
Sân golf lấy đất, cả làng bán trâu - 1

Hai đứa cháu ông K’Bông bên những con trâu cuối cùng ở làng Ròn.

 

 

Tiền nhiều mà chẳng chủ trâu nào vui bụng. “Làng mình chỉ mong còn đất, còn cỏ, có đắt gấp đôi, người K’ho mình cũng sẽ sắm lại đàn trâu” - ông K’Minh, trưởng thôn Ròn, chỉ tay phía hồ Đạ Ròn, mảnh đất xưa của làng nay đã nhường cho sân golf và khiến những bầy trâu của làng lũ lượt vào lò mổ.

 

Đồng cỏ bị mất

 

Số phận những con trâu làng Ròn được phán quyết hơn một năm trước khi cánh đồng lúa nước 80 ha ven hồ Đạ Ròn được giao lại cho dự án sân golf 36 lỗ của Công ty Acteam International (Macau). Những đám lúa nước ấy chính là những mét vuông đất cuối cùng mà tổ tiên làng Ròn khai phá khi 500 ha đồng cỏ nữa quanh hồ Đạ Ròn trước đó cũng đã thuộc về sân golf này.

 

Nhường đất, dân làng Ròn dong mũi bầy trâu về núi Hồ Tiên chăn thả. Nhưng oái oăm, lối dễ đi nhất dẫn về vùng rừng nhiều cỏ nhất đã bị sân golf chắn ngang. Một góc bờ hồ Đạ Ròn và gần 600 ha đất thuộc dự án cánh đồng cỏ truyền thống của bầy trâu làng Ròn bị vây lại trong vòng thép gai.

 

“Lúc đó chỉ mới lác đác vài đứa bán trâu thôi, mình bàn với cả làng dắt trâu đi vòng lên rừng thông để thả, vậy mà cũng không yên” - ông K’Bông, một điền chủ từng có bầy trâu tới 50 con, ngao ngán. Quen hơi đồng cỏ dưới chân núi, được vài bữa đám trâu làng Ròn lại mò xuống. Ngay lập tức những chú trâu ấy bị “lập biên bản” và nhắn về cho thân chủ ở làng Ròn với lời cảnh cáo: Nếu... trâu còn tái phạm, cứ một mét vuông cỏ sân golf bị giẫm chủ trâu sẽ phải đền 10 triệu đồng.

 

“Họ đền mấy sào ruộng nhà mình chưa tới 10 triệu đồng mà một mét cỏ phải đền bằng con trâu...” - trưởng thôn K’Minh đau xót nói. Khiếu nại ra chính quyền, ông K’Minh chỉ mang về được cho dân làng Ròn cái lắc đầu: “Đất đó sân golf họ thuê rồi, bồi thường rồi, phạt 10 triệu đồng cũng đành chịu, xã làm chi được!”.

 

Mất cả nghề lúa nước

 

Làng Ròn giờ loe ngoe vài chuồng trâu trống hoác, đã vơi mùi phân. Trưởng thôn K’Minh cho biết sân golf mới rào có một năm mà hơn 300 con trâu đã lũ lượt vào lò mổ. Mấy chục con sót lại, đa số là nghé và trâu nhỡ đang cầm hơi với những đám cỏ vét.

 

Mấy trăm con trâu bị bán chỉ có trâu của nhà K’Minh, nhờ quen thân thương lái bán được giá, năm con được 60 triệu đồng. Còn nhà K’Hùng, có tám con trâu mộng đều phải bán lỗ mấy triệu đồng mỗi con. Nhà K’Lim bán trụm cả bầy trâu lẫn nghé bảy con giá chưa tới 50 triệu đồng. Ngay cả nhà K’Bông, ông già nhiều trâu và quyết liệt giữ trâu nhất ở làng cũng kham không nổi, mới tiễn bầy trâu 19 con về lò mổ. Và đó là bầy trâu cuối cùng tại làng khi những đám cỏ còi cọc ven bờ nước ngày càng thưa dần.

 

Đàn trâu ra đi, nhiều nhà có thể sẽ không còn theo được nghề lúa nước truyền thống của người K’ho. Năm ngoái, khi bỏ những đám lúa nước lại cho sân golf, gần 20 hộ đã sang làng C’Puot ở xã Pu Tra bên cạnh thuê ruộng. Nhưng giờ bán hết trâu, lác đác đã có vài hộ trả ruộng vì không còn trâu để kéo cày.

 

Và mất “không gian văn hóa”

 

Sân golf lấy đất, cả làng bán trâu - 2
Bờ hồ Đạ Ròn bị vây quanh bởi thép gai. 
 

Bên con nghé bạc vừa xỏ mũi, ông K’Minh buồn bã: “Mình giữ con nghé này làm kỷ niệm thôi, nó sinh ra từ bầy trâu ông bà mình để lại”. Gần 30 con trâu ở làng Ròn được người K’ho giữ lại, giờ đều chung một niềm luyến tiếc như con nghé nhà trưởng thôn. K’Minh nói: Người K’ho xưa nay nuôi trâu không phải để bán, ngoài việc kéo cày thì trâu chính là con vật thiêng dùng trong lễ hội đâm trâu và những đám cúng quảy. Đám tang: cúng trâu; đám giỗ, đám cưới: lễ vật bằng trâu; đám mừng lúa mới: cũng mổ trâu... Mà trâu được mổ phải nặng ít nhất hai tạ để mời được cả làng nên bầy trâu nào cũng được người K’ho chăm bẵm.

 

Những câu chuyện ông K’Minh kể bên con nghé cô đơn của nhà mình có thể sắp thành ký ức. Nỗi âu lo ấy chẳng người dân làng Ròn nào thốt lên. Nhưng họ bắt đầu thấm thía khi đám cúng lúa mới vừa rồi, cả làng phải bấm bụng góp hơn 40 triệu đồng mua hai con trâu đực làm đám, đắt gần gấp đôi so với con trâu làng bán ra. Mua là mua cho đúng lễ vậy chứ những con trâu mang về từ một cuộc bán chác ấy đã không mua được sự ưng bụng của người làng Ròn. “Con trâu xứ khác, ăn cỏ xứ khác, của người ta nuôi. Mình đem cúng chắc ông bà không vui” - ông già K’Bông như nói thay cho cả làng.

 

Chuyện về bầy trâu đã tan tác, ông Bùi Ngọc Cận, Phó Chủ tịch xã Đạ Ròn, thật lòng: “Mất trâu bà con cũng gian nan, vì người K’ho xưa nay gắn với nghề lúa nước, mất trâu là mất nghề. Tiền bán trâu chắc chỉ cỡ 10% là được tái đầu tư, còn lại bà con tiêu lăng nhăng đâu hết...”.

 

Ông Trần Đình Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đơn Dương, lo những bầy trâu ra đi sẽ mang theo luôn những tập quán về đời sống tâm linh gắn chặt với con trâu và lúa nước của người K’ho ở làng Ròn. Ông thẳng thắn, 10 năm trước khi xây hồ Đạ Ròn và giờ là lấy ruộng lúa làm sân golf, đã không có một dự án “tái định cư” nào cho không gian văn hóa của người làng Ròn. Và không chỉ dân làng Ròn, ngay cả cơ quan văn hóa huyện cũng bị bỏ quên, không cần hỏi ý kiến.

 

Già làng bỏ lên núi nuôi trâu

 

Những ngày đến làng Ròn, chúng tôi đã không tìm được già làng K Thinh để hỏi chuyện. Bà K Wuel, vợ già làng K Thinh, nói ông đã bỏ lên núi từ nửa năm trước để chăn đàn trâu gần 20 con, lâu lâu mới xuống núi tiếp tế lương thực hoặc khi làng có việc quan trọng. Biết không thể giữ lại đàn trâu nếu chỉ nuôi ngay tại làng, cũng không thể thả rông trên núi vì sợ lạc xuống sân golf, vị già làng Ròn đã dựng lán trên núi cao, quyết tâm bảo vệ đàn trâu được vẹn toàn. Nhưng bà K Wuel âu lo: Không biết nó còn tồn tại được bao lâu và năm nay già làng K Thinh đã gần 80 tuổi.

 

Theo Viễn Sự - Sơn Lâm

 Pháp luật TPHCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm