1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sai phạm tại Tổng công ty Vận tải thủy: Trách nhiệm Bộ GTVT tới đâu?

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ GTVT xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan các vi phạm trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa; xác định giá trị của doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy.

Kết luận thanh tra số 1758/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Vận tải thủy mới được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, tháng 12/2011 Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong đó có việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO).

Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ GTVT thực hiện 2 lần thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP. Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Sai phạm tại Tổng công ty Vận tải thủy: Trách nhiệm Bộ GTVT tới đâu? - 1

Trụ sở Bộ Giao thông vận tải (Ảnh: G.T).

Cố tình không báo cáo Thủ tướng Chính phủ?

Theo kết luận thanh tra, Bộ GTVT có Quyết định 883/2008 phê duyệt đầu tư Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6), Quyết định số 1038/2014 phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng không phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và phương án khai thác sau khi dự án hoàn thành.

Công tác giải phóng mặt bằng tại cảng Việt Trì (Phú Thọ) và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) thuộc dự án WB6 không được Bộ GTVT triển khai thực hiện, vi phạm quy định của Chính phủ. Việc này dẫn đến khi đầu tư hoàn thành có sự chồng chéo giữa tài sản của Nhà nước đầu tư và tài sản của doanh nghiệp cổ phần.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng việc không thể đồng thực hiện cổ phần hóa VIVASO và Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6. Trong khi đó, việc cổ phần hóa VIVASO và việc thực hiện dự án WB6 đều do Bộ GTVT chỉ đạo và quản lý.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa giảm sai so với giá trị Bộ GTVT phê duyệt số tiền trên 22,6 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam; tổ giúp việc, VIVASO, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ GTVT trong việc phối hợp, thẩm tra, giám sát và chỉ đạo.

Hơn nữa, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã xác định giá trị khoản đầu tư của Tổng công ty Vận tải thủy và Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa giảm 13,8 tỷ đồng nhưng chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như việc xử lý cán bộ có liên quan là vi phạm Nghị định 59/2011 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc Bộ GTVT, Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy.

Bộ GTVT quyết định chuyển nhượng trên 14,7 triệu cổ phần phát hành lần đầu (do không bán hết) theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với giá chuyển nhượng bằng với giá đấu bình quân của đợt phát hành lần đầu cho Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường không phải là nhà đầu tư tham gia bán đấu giá lần đầu là không đúng quy định tại Điều 40 Nghị định 59/2011 của Chính phủ.

Thanh tra còn phát hiện, Tổng công ty Vận tải thủy không báo cáo Bộ GTVT để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như việc xử lý cán bộ có liên quan về việc giảm vốn Nhà nước, giảm vốn điều lệ của Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP với số tiền trên 21,5 tỷ đồng (tương ứng 6,57% vốn điều lệ), không đúng Quyết định 112/2014 của Thủ tướng.

Tổng công ty này cũng chưa xử lý dứt điểm tài sản Nhà nước hình thành từ dự án WB6 tại cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhưng đã tiến hành bàn giao giữa doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần để kết thúc việc cổ phần hóa doanh nghiệp là không đúng với Thông tư 202/2011 của Bộ Tài chính.

"Những việc làm không đúng trong việc tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần nêu trên thuộc trách nhiệm của VIVASO, Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Bộ GTVT", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Sai phạm tại Tổng công ty Vận tải thủy: Trách nhiệm Bộ GTVT tới đâu? - 2

Cảng Hà Nội (Ảnh: CTV).

Về việc thoái vốn Nhà nước, kết luận thanh tra khẳng định Bộ GTVT chuyển nhượng trên 6,5 triệu cổ phần của VIVASO cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo hình thức thỏa thuận trực tiếp theo Thông tư 220/2013 của Bộ Tài chính khi có 1 nhà đầu tư đăng ký mua và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Văn bản số 6424/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, việc Hội đồng quản trị VIVASO ban hành Nghị quyết số 1154/NQ-HĐQT bán hơn 6,5 triệu cổ phần Nhà nước tại tổng công ty cho Công ty Liên hiệp xây dựng Vạn Cường trước khi thực hiện các bước lựa chọn tổ chức tư vấn phương án thoái vốn, công khai việc chào bán cổ phần là không đúng về trình tự thời gian. Trách nhiệm thuộc hội đồng quản trị, người đại diện vốn Nhà nước tại VIVASO.

Xử lý trách nhiệm và thu hồi các khoản tiền lớn

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phương án xử lý đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị gần 135 tỷ đồng theo đúng quy định pháp luật.

Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền 50 tỷ đồng là giá trị doanh nghiệp của VIVASO xác định chưa đúng quy định, làm giảm giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa và thoái vốn được phát hiện qua thanh tra.

Sai phạm tại Tổng công ty Vận tải thủy: Trách nhiệm Bộ GTVT tới đâu? - 3

Tổng công ty Vận tải thủy (Ảnh: VIVASO).

"Giao Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm khoản lỗ 13,8 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa để xử lý theo quy định pháp luật", Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Bộ GTVT xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan các khuyết điểm, vi phạm trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa; xác định giá trị của doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc xác định giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và việc thoái vốn Nhà nước đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của bộ này khi để xảy ra các vi phạm nêu trên.

Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra

Như Dân trí phản ánh trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan này về nội dung cổ phần hóa đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền trên 16 tỷ đồng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm