Sai phạm ở Tổng Công ty Đường sắt: “Chưa thể nói ai sai, ai đúng”
(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) khẳng định, cơ quan này đang thực hiện nghiêm túc các kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận thanh tra, nhưng trong việc xem xét trách nhiệm cá nhân thì “bây giờ chưa thể nói anh nào sai, anh nào đúng”.
- Các ông có “tâm phục khẩu phục” với những nội dung được Thanh tra Chính phủ phát hiện, nêu ra trong Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên không?
- “Tâm phục khẩu phục” là cách nói dân dã thôi. Hiện nay nói không tâm phục là không đúng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai thực hiện các kiến nghị mà Thanh tra Chính phủ nêu ra thôi, còn chúng tôi đã giải trình hết các nội dung trong đó rồi.
Những kiến nghị mà cơ quan thanh tra đưa ra đang được ngành đường sắt triển khai để thực hiện. Tất cả những kiến nghị đó đều phải xử lý cụ thể, trong đó phần nào giao ngành đường sắt làm gì thì chúng tôi sẽ làm y như vậy, vướng ở bộ ngành nào thì sẽ xin ý kiến của bộ ngành đó để có hướng dẫn thực hiện cho đúng.
Còn đối với những khoản xử lý về tài chính, đặc biệt liên quan đến khoản tiền trên 130 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ nêu ra, chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính để có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
- Có thể thấy hàng loạt những yếu kém, khuyết điểm và lạc hậu trong quản lý, điều hành của ngành đường sắt đã được Thanh tra Chính phủ “mổ phanh”. Đến nay những vấn đề đó đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khắc phục, đề ra các phương án xử lý như thế nào, thưa ông?
- Khi thanh tra như vậy, những gì chưa đúng, chưa chuẩn thì chúng tôi phải rà soát lại và chắc chắn không mắc những lỗi sai đó nữa. Kết luận thanh tra có nói rằng đến năm 2013 mô hình quản lý của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn cũ nhưng phải thấy rằng đến năm 2013 thì chúng tôi đã được Chính phủ phủ phê chuẩn đề án tái cơ cấu và đã thực hiện đề án đó rồi.
Hiện nay chúng tôi đã cổ phần hóa lĩnh vực vận tải, tách ra khỏi quản lý kết cấu hạ tầng, đã thoái vốn ở những lĩnh vực không cần chi phối rồi. Mô hình tổ chức đã được thực hiện theo đề án tái cơ cấu, chứ không phải như thanh tra đánh giá năm 2013. Mô hình đã thực hiện theo đề án tái cơ cấu, mục tiêu là cổ phần hóa lĩnh vực vận tải, thoái vốn ở các doanh nghiệp mà nhà nước không cần chi phối.
Như vậy Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chuyển thành mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên 100% vốn; các doanh nghiệp quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt thì đã được cổ phần rồi. Chúng tôi đã thực hiện đúng lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Thế còn việc xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến hàng loạt sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện tới đâu rồi?
- Khi xử lý xong các vấn đề kinh tế như tài chính tại sao lại hạch toán không đúng, thủ tục không chuẩn,… thì phải kiểm điểm xem lỗi ở những chỗ nào, phải phân tích, kiểm điểm, chứ bây giờ chưa thể nói anh nào sai, anh nào đúng cả.
- Có nhiều ý kiến cho rằng mô hình quản lý của ngành đường sắt đang còn nhiều bất cập, lạc hậu nhưng đã đặt ra chuyện làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là chưa phù hợp, chưa đúng thời điểm. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Mô hình của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không liên quan gì đến chiến lược phát triển của ngành đường sắt. Chiến lược của ngành đường sắt thuộc về phát triển của đất nước, của toàn ngành giao thông, khi xây dựng đã tính tới nhu cầu, thứ tự ưu tiên để phát triển các lĩnh vực, trong đó có ngành đường sắt. Việc xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại là cần thiết và nằm trong nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, đường lối của đảng và nhà nước.
Không phải vì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tái cơ cấu mà ảnh hưởng tới đến phát triển của ngành đường sắt được. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ chứ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không phải cơ quan trình dự án này.
- Xin cảm ơn ông!
Sai phạm trên 131 tỷ đồng
Theo Kết luận số 2222/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ khẳng định Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm đối với việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, phê duyệt giá sai căn cứ. Tập thể, cá nhân, các ban, bộ phận chuyên môn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm theo chức năng của mình về những khuyết điểm, vi phạm của tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm; trong đó lưu ý các nội dung về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị, Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn đường sắt, góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) gây lãng phí, kém hiệu quả....
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cùng với việc kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, rà soát hoạt động kinh doanh, quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thì tiến hành xem xét để xử lý các khoản tiền có sai phạm trên 131 tỷ đồng phù hợp thực tế, có tính khả thi tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty thành viên rà soát, điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 11 nội dung, tổng số tiền trên 1.109 tỷ đồng; kiến nghị xử lý đảm bảo đúng chế độ tài chính kế toán, xác định các chỉ tiêu tài chính, kết quả kinh doanh sau điều chỉnh. Cơ quan thanh tra kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xử lý 4 khoản trên 75 tỷ đồng và 303.920 EUR.
Thế Kha (thực hiện)