1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích của Nhà nước”

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã khẳng định như vậy trước việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng hai khu đất vàng diện tích gần 1.000 m2, có giá trị rất lớn ở Thủ đô Hà Nội (số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu) thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên đường Lê Duẩn, Hà Nội.
Trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên đường Lê Duẩn, Hà Nội.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vào thời điểm tháng 1/2013 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng hai thửa đất giáp nhau và tài sản trên đất tại 80 Lý Thường Kiệt (diện tích 717 m2 và tài sản trên đất có khách sạn 5 tầng) và 22 Phan Bội Châu (diện tích 261 m2, nhà để xe).

Mặc dù về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước (28/8/1996) và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu còn thời hạn thuê 2,5 năm nhưng cũng đã có ý kiến sắp xếp lại, xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục này trước khi tiến hành góp vốn.

Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Tổng công ty này đã có báo cáo xin Bộ Giao thông vận tải chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản thống nhất theo đề nghị và giao Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Đồng thời, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở, nhưng Bộ Giao thông vận tải không nắm được, trong khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là trên 67,4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc góp vốn, thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH hai thành viên khách sạn Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư dự án khách sạn 4 sao thì Bộ Giao thông vận tải mới yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa xử lý gì. Sau khi góp vốn, doanh nghiệp đi vào hoạt động không hiệu quả, 6 tháng cuối năm 2013 lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,57 tỷ đồng.

“Thực tế nêu trên cho thấy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có giá trị trên thị trường rất lớn và thực chất là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang kêu gọi đầu tư, lựa chọn đầu tư để đầu tư khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác. Do vậy phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy vậy, kết luận thanh tra khẳng định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã không thực hiện như vậy, trái lại, đã thực hiện theo thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao nhưng lại lựa chọn đối tác là Công ty TNHH MTV Hà Thành chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Khu đất vàng số 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Khu đất vàng số 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý ngay hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn thuê với lý do là tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Cơ quan thanh tra cho rằng việc chuyển giao này cũng không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá quy định tại Nghị định 121/2010 của Chính phủ.

Đến nay, dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai được theo thỏa thuận góp vốn thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại có chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp này để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác. Việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sai và trái với hàng loạt chủ trương, quy định tại Nghị quyết 94/2011 của Chính phủ, Quyết định 198/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Đất đai 2013.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”- kết luận do Tổng Thanh tra Chính phủ ký duyệt nêu rõ.

Kết luận nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc góp vốn bằng tài sản và quyền thuê đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Bên cạnh đề nghị xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng khu đất này đảm bảo yêu cầu có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thế Kha