1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rút Luật Biểu tình khỏi chương trình xây dựng luật 2 năm tới

(Dân trí) - Chiều 29/7, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thống nhất rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 dự án luật Biểu tình. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục khẩn trương chuẩn bị luật này để đưa vào chương trình lập pháp khi đủ điều kiện.

Các đại biểu bấm nút thông qua việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017.
Các đại biểu bấm nút thông qua việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017.

Vậy là một lần nữa, luật Biểu tình – một “món nợ” của Quốc hội với người dân đã 2 khoá nay tiếp tục phải lùi.

Tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Quốc hội 1 tuần trước, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Quốc hội khóa XIV sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của Chính phủ và trả món nợ cho dân, không lùi luật Biểu tình vô thời hạn”.

Tuy nhiên Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2016, 2017 mà Quốc hội vừa thông qua chỉ thể hiện nội dung rút khỏi chương trình năm 2016 luật Biểu tình (cùng với luật năng lượng nguyên tử sửa đổi, Luật Chứng thực, Luật về máu và tế bào gốc, luật Quốc phòng sửa đổi) mà không nêu rõ dự án luật này sẽ được lùi đến khi nào. Ít nhất, trong cả 3 kỳ họp của 2 năm tới đây, dự án luật này cũng chưa được xếp lịch.

Dù vậy, Quốc hội giao Chính phủ có trách nhiệm Khẩn trương chuẩn bị các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh, Luật biểu tình trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Được biết, từ đầu khoá XIII, luật Biểu tình đã được lên lịch soạn thảo, thông qua, từ chính đề xuất của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, dự án luật này đã nhiều lần được xin lùi thời hạn trình Quốc hội do việc chuẩn bị chưa đủ điều kiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích, tiếp tục lùi dự án luật này, không “cố” để đảm bảo chất lượng. “Ban hành luật để đảm bảo quyền công dân, nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích của cả đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quyền của dân tham gia biểu tình, mà không gây rối loạn đất nước. Luật biểu tình mà làm rối loạn đất nước thì người dân cũng không mong muốn” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Một điểm khác, trong Nghị quyết Quốc hội thông qua về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2016, 2017 cũng không có tên luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong khi theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự, luật này sẽ được trình Quốc hội khoá XIV trong kỳ họp thứ 2 (sẽ diễn ra cuối năm 2016).

Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao tinh thần trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; không trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.

P.Thảo