1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn "bão" dịch

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Tuần qua miền Tây đã đón hàng trăm nghìn người dân hồi hương tránh dịch. Để tiếp sức cho đồng bào về đến nơi an toàn, dọc đường đi có những tiệm xăng 0 đồng, cơm 0 đồng làm ấm lòng người về quê.

Ai cũng muốn góp phần giúp đồng bào trong cơn nguy khó

Những ngày qua, đã có hơn 200.000 người đã từ TP HCM theo các ngả đường đổ về khắp các tỉnh miền Tây, giao thông trên các cung đường huyết mạch luôn đông nghẹt những đoàn xe hồi hương. 

Từ TPHCM về nơi xa nhất của miền Tây ngót chừng 300 cây số, đi từ sáng đến tối mới tới nơi. Hàng quán dọc đường chưa mở lại, chuyện ăn uống trở thành vấn đề lớn của những người hồi hương. Bắt đầu từ Tiền Giang, những hàng ăn "0 đồng" dần xuất hiện.

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 1

Ngay chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, cửa ngõ vào Cần Thơ, nhiều mạnh thường quân đã chuẩn bị sẵn cơm, nước hỗ trợ người dân xa quê trở về (Ảnh: Hoàng Tùng).

Sau quãng đường hơn 70 cây số, con trai nhỏ đã mệt lả, một cặp vợ chồng trẻ đành "đánh bạo" ghé chiếc xe cà tàng vào hàng tạp hóa đang đóng cửa ở Tiền Giang hỏi mua sữa, tâm thế không nhiều hi vọng. Nhưng 2 người đã bất ngờ khi chủ quán không chỉ đem sữa, bánh mì, nước lọc cho mà còn không lấy tiền.

Bao nỗi niềm cực nhọc trên con đường hồi hương bỗng như rơi xuống khỏi vai. Người đi đường nhìn chủ quán cười tỏ ý cảm ơn, chủ quán cũng cười với ý "không cần khách sáo", rồi ai cũng vui vẻ. Chủ quán quyết định mở cửa để có thêm nhiều người cần ghé đến, đôi vợ chồng trẻ tự tin vì trên đường về quê không còn phải lo lắng nhiều.

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 2

Nhiều bạn trẻ đã thức hàng đêm ở chân cầu Cần Thơ hỗ trợ người đi đường (Ảnh: Hoàng Tùng).

Một người cha đơn thân chở con trai nhỏ mệt lả trên đường về Cà Mau đã rưng rưng nước mắt khi đưa tay nhận hai suất cơm từ thiện. Anh khóc vì được giúp trong cơn ngặt nghèo, khóc vì bớt đi nỗi lo trên con đường gần 300 cây số trước mắt không còn lo đói bữa.

Một chủ quán tạp hóa ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang sau khi phát hết hàng hóa trên quầy đã vận động người thân nấu cơm từ thiện. Chị bất ngờ khi rất nhiều hàng xóm cùng hưởng ứng, ai nấy đều xắn tay mỗi người một việc.

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 3

Công an Tiền Giang trao quà hỗ trợ người dân hồi hương trong đêm 5/10 (Ảnh: Trọng Tín).

Không chỉ đường lớn, trên đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đoạn qua thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng những ngày qua xuất hiện tấm biển "Xăng 0 đồng - Bạc Liêu 2 chai, Cà Mau 3 chai; nước 0 đồng…" dành cho người dân về quê tránh dịch khiến nhiều trái tim "rung rinh" xúc động. Chính quyền địa phương cho biết "trạm xăng" này được người dân góp tiền lập nên để tiếp sức cho đồng bào, không của riêng ai, mọi người đều muốn góp phần đùm bọc nhau những khi khốn khó.

Năm nay miền Tây mất đi mùa nước nổi, nhưng thay cho con nước đậm phù sa, nghĩa đồng bào như màu của nghìn năm quyện đặc, nổi lên để cùng bao bọc nhau vượt qua cảnh ngặt nghèo, như rặng dừa bao bọc dải cù lao!

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 4

Địa điểm phát xăng, nước cho người dân thuộc địa bàn phường 2, Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV).

Những ngày thường, tình người khuất lấp sau những xô bồ cuộc sống. Nhưng trong những khi đặc biệt, mỗi nụ cười, mỗi cái trao tay như tiếp thêm niềm tin, nghị lực để đồng lòng, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.

Tỉnh không bỏ rơi người dân trên quê hương mình

Người dân đùm bọc nhau là vậy, chính quyền cũng tạo nên niềm tin vững chắc cho người dân của mình. "Tỉnh không bỏ rơi bà con quê hương mình đâu" là lời khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.

Ông Lâu cho biết dù đoàn người hồi hương đã vượt quá năng lực tiếp nhận của tỉnh nhưng "dù còn khó khăn Sóc Trăng vẫn dang rộng vòng tay đón bà con trở về. Sóc Trăng sẽ tập trung dồn hết sức lực để lo cho bà con, cố gắng nỗ lực đảm bảo phòng, chống dịch an toàn".

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 5

Nam thanh niên nhiều ngày qua đứng ở cửa ngõ vào Cần Thơ để mang cháo 0 đồng cho đồng bào (Ảnh: Hoàng Tùng).

Là tỉnh trở lại trạng thái "xanh hóa" sớm nhất miền Tây, Bến Tre đã chuẩn bị sẵn sàng đón con em về quê tránh dịch, các phương án, cơ sở vật chất đều chu đáo, sẵn sàng.

Ngày 5/10 vừa qua, TP Cần Thơ đã có kế hoạch sẽ hỗ trợ ngay 500.000 đồng và 15kg gạo cho mỗi người dân khi vừa về đến quê hương để không ai rơi vào cảnh khó khăn, bị động. Không chỉ vậy, Cần Thơ khẳng định những chi phí cách ly, xét nghiệm hay điều trị Covid-19 cho người dân hồi hương chính quyền đều hỗ trợ.

Ở An Giang, quân đội đã sẵn sàng nhường lại doanh trại cho người dân từ vùng dịch trở về. Nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn đã thông báo miễn phí cho mọi người từ miền Đông về cách ly y tế. Thức ăn, nước uống cho đoàn người hồi hương cũng đã được chính quyền chuẩn bị đầy đủ.

Rưng rưng nước mắt, nặng nghĩa đồng bào trên nẻo đường vượt cơn bão dịch - 6

Dòng người đổ về miền Tây những ngày qua khiến nhiều địa phương đang quá tải khu cách ly và phát hiện nhiều F0 (Ảnh: CTV).

Là địa phương cách xa TPHCM gần 300 km, tỉnh Kiên Giang đã kết hợp với doanh nghiệp hảo tâm cho đoàn xe khách 20 chiếc đến bến xe Miền Tây đón người dân về quê vào sáng 5/10. Những người được ưu tiên đón về sớm là các bà bầu, trẻ nhỏ, người già và người bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết: "Dân về đều được lo đầy đủ, không phải khó khăn về lương thực thực phẩm. Trong 14 ngày, mình đảm bảo lương thực thực phẩm cho bà con".

Giữa khó khăn mới thấy hết được tình cảm, tình quê, tình người. Những món quà, lời chúc trở nên thiêng liêng, ý nghĩa.