1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Rừng nguyên sinh mọc bên “sườn” thành phố

(Dân trí) - Ở những buôn làng người đồng bào Ê-đê thuộc xã Ea Tu cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 10 km có những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ cao chót vót, gốc cây 4 - 5 người ôm...

Ký ức rừng lớn

"Kmrơng Prong" - một địa danh ở thành phố Buôn Ma Thuột, theo tiếng Ê-đê “Prong” có nghĩa là “to lớn”; còn “Kmrơng” được dịch ra là “rừng”. “Kmrơng Prong” nôm na theo tiếng đồng bào Ê-đê là “rừng lớn”.

Ông Y Wih Ê-ban - trưởng buôn Kmrơng Prong B năm nay 57 mùa rẫy chỉ nhớ cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn có từ xa xưa, khi buôn Kmrơng Prong B còn chưa thai nghén. Trong ký ức của ông Y Wih Ê-ban, rừng Kmrơng Prong B nguyên sinh rất rộng, ranh giới có thể giáp các huyện Cư M’gar và huyện Krông Pắk (Đắk Lắk).

Ông Y Wih Ê-ban - trưởng buôn Kmrơng Prong B bên một cây gỗ cổ thụ ở buôn mình.
Ông Y Wih Ê-ban - trưởng buôn Kmrơng Prong B bên một cây gỗ cổ thụ ở buôn mình.

“Buôn Kmrơng Prong B hồi xưa được tạo lập trong rừng, khi đó già làng không biết phải đặt tên buôn như thế nào. Mà hồi đó là toàn rừng lớn, chạy đến sát huyện Krông Pắk nên sau khi lấy ý kiến bà con trong buôn, già làng quyết định đặt tên là Kmrơng Prong B - tức là buôn Kmrơng Prong thứ 2 nằm trong rừng lớn”, ông Y Wih Ê-ban nói.

Cách buôn Kmrơng Prong B khoảng 2 km, ở buôn Kmrơng Prong A cũng có một cánh rừng nguyên sinh cổ thụ. Theo già làng buôn Kmrơng Prong A - Y Yơh Kbuôr (73 tuổi), cánh rừng nguyên sinh buôn Kmrơng Prong A cũng có từ xa xưa và có thể kéo dài đến dốc Hà Lan, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk).

Ông cho biết, chuyện là gia đình ông có một con voi, đang mùa yêu đương nên voi suốt ngày quậy phá, một hôm theo tiếng gọi “tình yêu” chú voi bứt cả dây xích chạy mất hút đến dốc Hà Lan khiến gia đình ông quàng mắt đi tìm.

Nghe tin voi đang phá nương rẫy ở dốc Hà Lan, cách buôn mấy chục cây số, chú bé Y Yơh Kbuôr được giao trông voi nay để voi bứt dây bỏ đi, quá hoảng sợ chú men theo sườn rừng Kmrơng Prong A chạy một mạch đến dốc Hà Lan tìm thấy voi dắt về trong sự sung sướng mà nhìn rừng Kmrơng Prong A vẫn còn xa tít.

“Một mình tui đi trong rừng mà chỉ sợ sợ lạc, lúc đó tui cũng chẳng biết mỏi chân là gì nữa, chỉ mong tìm thấy voi chứ voi đã sổng ra nó phá tan hoa màu người ta sẽ phạt vạ. Khi tôi phát hiện ra voi cách buôn mấy chục km đường bộ mà rừng vẫn còn dài mỏi cả mắt”, già làng Y Yơh Kbuôr nhớ lại.

Giữ rừng là giữ nguồn nước

Dẫn chúng tôi đi về khu rừng đầu buôn, trưởng buôn Kmrơng Prong B - Y Wih Ê-ban tự hào chỉ vào những cây gỗ quý như tùng, bằng lằng, sao… cao chót vót, đường kính gốc 3 - 4 người ôm không hết.

Nép mình bên một gốc cây cổ thụ cao lớn, ông kể: “Từ hồi lập buôn đến giờ, rừng đầu nguồn vẫn vậy, không ai chặt phá cả! Theo phong tục của buôn, ai chặt phá cây rừng ở đầu nguồn bị bắt quả tang là phạt cúng một con trâu khỏe. Không những vậy, ai chặt rừng mà bị bắt là phải đền hết số lễ vật đã cúng từ xưa đến nay cộng lại. Nhờ vậy mà rừng đầu nguồn vẫn còn nguyên vẹn”.

Bộ rễ của một cây gỗ lớn ở khu rừng đầu nguồn buôn Kmrơng Prong B.
Bộ rễ của một cây gỗ lớn ở khu rừng đầu nguồn buôn Kmrơng Prong B.

Trưởng buôn Y Wih Ê-ban cho biết thêm, không những bà con không chặt phá rừng mà còn có cam kết hẳn hoi không phá rừng, hàng năm phân cử người trồng thêm cây mới phân tán xung quanh khu rừng.

Trong khi đó ở buôn Kmrơng Prong A, già làng Y Yơh Kbuôr cho biết ngay cả những cây gỗ đã chết đứng trong rừng nhưng bà con vẫn không chặt, chỉ đến khi cây đổ xuống do tuổi già, gió bão thì bà con báo cáo thôn buôn, UBND xã tìm cách xử lý hoặc thống nhất cưa ra đem bán làm quỹ buôn.

Già làng Y Yơh Kbuôr (73 tuổi) trong khu rừng nguyên sinh buôn Kmrơng Prong A
Già làng Y Yơh Kbuôr (73 tuổi) trong khu rừng nguyên sinh buôn Kmrơng Prong A.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Hượng - cán bộ Văn hóa Thông tin xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) - cho biết tổng diện tích của 2 cánh rừng đầu nguồn ở buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B khoảng 1,6 đến 1,7 ha. Ngoài ra, cách buôn Kmrơng Prong A không xa cũng có cánh rừng nguyên sinh của buôn Ju (thuộc xã Ea Tu) diện tích khoảng 1,5 ha.

“Bà con buôn Kmrơng Prong A, Kmrơng Prong B ai cũng ý thức được giữ rừng là giữ nguồn nước đầu nguồn, bảo vệ bến nước phục vụ sinh hoạt dù hiện nay đã có giếng. Các cánh rừng cũng làm cho không khí ở địa phương trong lành, mát dịu hơn hẳn. Thấy được lợi, hằng năm bà con còn trồng thêm cây xanh mới ở các khu vực xung quanh. Ngay cả cây sao ở cánh rừng của buôn Kmrơng Prong B dù đã chết mà bà con vẫn để vậy chứ nhất quyết không chịu chặt đi”, cán bộ Hượng nói.

Ông Hượng cho biết thêm, hướng đến việc gìn giữ cánh rừng đầu nguồn buôn Kmrơng Prong B, vừa qua Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND xã Ea Tu và buôn Kmrơng Prong B ký một cam kết “tay ba” nhằm bảo vệ khu rừng.
 

Ông Đoàn Ngọc Khuê - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk: “Những cây rừng đầu nguồn ở buôn Kmrơng Prong B, Kmrơng Prong A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đều có tuổi thọ trên 100 năm tuổi. Việc TP. Buôn Ma Thuột còn lưu giữ được cánh rừng đầu nguồn như ở xã Ea Tu là rất quý, nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời những cánh rừng này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Bảo vệ số rừng đầu nguồn này cũng là cách gìn giữ được nguồn nước sạch đầu nguồn cho bà con”.

Viết Hảo