Rừng ĐBSCL căng mình lo “bà hỏa”

(Dân trí) - Mùa khô hạn đang đến gần, nắng gắt kéo dài khiến hàng chục ngàn héc ta rừng tại ĐBSCL trở nên “khô khốc” và nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực.

Rừng ĐBSCL căng mình lo “bà hỏa” - 1
Canh rừng trong mùa khô hạn.
 
Bà hỏa rình rập

Tỉnh Hậu Giang có hơn 4.700 ha rừng, tràm. Trong đó, rừng do nhà nước quản lý gần 1.900 ha, rừng tràm trồng trên đất nông nghiệp hơn 2.800 ha.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng (PCCR) tỉnh Hậu Giang, diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao khoảng 1.900 ha ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, vườn tràm Vị Thủy, huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp…

Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang: nhiều cánh rừng trong tỉnh đang bắt đầu cạn kiệt nước. Hiện rừng quốc gia Phú Quốc có khoảng 3.000 ha đang đối mặt với nguy cơ cháy còn khu vực Tứ giác Long Xuyên có trên 6.000 ha rừng hiện đang thiếu nước.

Ngày 26/2, một vụ cháy rừng đã làm thiệt hại 7 ha rừng tranh gồm cỏ sậy xen lẫn tràm bông vàng do dân tự trồng ở ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Diện tích rừng bị cháy nằm trong khu 408 ha rừng phòng hộ (cách khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc khoảng 5km), thuộc quy hoạch sân golf Bãi Vòng của huyện đảo Phú Quốc.

Nguyên nhân cháy là do dân bất cẩn, vô ý thức khi đốt cỏ, lại không kiểm soát nên gây cháy lan vào khu vực rừng tràm ngay trong cao điểm mùa khô và rừng Phú Quốc đang cảnh báo ở cấp độ cháy nguy hiểm.

Bảo vệ rừng: người ít, vũ khí thô sơ

Báo cáo công tác PCCR mùa khô năm 2009, Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên (An Giang) chuẩn bị 42 máy chữa cháy, với 8.860 m dây, 1.637 can nhựa chứa nước, 30 bình xịt, 400 dao quéo và bàn cào dập lửa, vỏ lãi…

Ngoài ra, lực lượng của ngành huy động tham gia chữa cháy với trên 320 người cùng với Công an, quân sự địa phương… Riêng tại Đồng Tháp, Ban Chỉ huy PCCR tỉnh đưa ra phương châm “bốn tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Còn ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ (Cà Mau) cho biết: Trong 31 chòi canh lửa đã bố trí lực lượng trực; 27 tổ máy bơm với 106 người đã sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, 141 cán bộ công nhân viên của công ty luôn túc trực 24/24 để xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Và năm nay gánh nặng canh lửa của công ty quản lý là hết sức nặng nề vì khi xác nhập lại thì địa bàn trải rộng với hơn 29.000 ha trong khi đó trang thiết bị cho PCCR thiếu và đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Bá Lục, Trưởng Phòng Quản Lý và bảo về rừng thuộc Chi Cục kiểm Lâm Cà Mau cho biết: UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt phương án phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2009 cho Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Theo đó với hơn 5 tỉ đồng kinh phí sẽ mua 6 máy bơm loại lớn, 2 xe vận tải chuyên dùng, xe cuốc, xây dựng nhiều chòi quan sát, canh lửa, đắp 21 đập, cống bọng và nạo vét kênh mương giữ nước, san lấp mặt đường giao thông nội bộ... 19 chốt, trạm quản lý bảo vệ rừng; 374 lực lượng chữa cháy dự phòng trong cộng đồng dân cư, sẵn sàng ứng cứu.

Có thể thấy, ở khắp nơi, nguy cơ cháy rừng là rất cao và trên diện rộng nhưng lực lượng phòng cháy chữa cháy lại quá mỏng cùng phương tiện thô sơ, cũ kỹ. Điều này khiến nguy cơ rừng bị cháy càng cao và trở thành ẩn họa tại ĐBSCL trong thời điểm này.
 

Tại Đồng Tháp, trong năm 2008 đã xảy ra 21 vụ cháy rừng và đồng cỏ, với tổng diện tích lên đến gần 400 ha. Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra ở Vườn Quốc gia Tràm chim với nguyên nhân do người dân xâm nhập rừng trái phép để khai thác cá, bắt ong, lấy củi.

Cà Mau năm 2008, xảy ra 6 vụ cháy làm thiệt hại 12,45 ha đều là rừng của dân trồng. Hiện rừng tràm U Minh Hạ bạc thếch trong nắng rát. Đứng trên chòi canh lửa cao vút nhìn tứ bề thì quả thật đâu đâu dưới cánh rừng tràm cũng thấy “bà hoả” treo lơ lửng.

Nhật Trường