Rừng chết trắng dọc quốc lộ: Có cán bộ thuê người cắt thông trái phép!
(Dân trí) - “Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt trách nhiệm… Thậm chí có trường hợp cán bộ thuê người cắt thông trái quy định”
Đây là một trong những nội dung được Tỉnh ủy Đắk Nông kết luận về nguyên nhân rừng thông chết trắng dọc quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk G’long mà Dân trí đã phản ánh.
Trước đó, một đoàn kiểm tra do 1 Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc quốc lộ 28, đoạn qua hai xã Quảng Sơn và Đắk Ha (huyện Đắk G’long).
Theo kết luận số 840/KL-TU của Tỉnh ủy Đắk Nông, từ năm 2010-2019, diện tích rừng trên địa bàn hai xã trên giảm gần 226ha, trong đó có gần 32 ha thông bị ken hoá chất cho chết. Thế nhưng, phần lớn các vụ vi phạm pháp luật được phát hiện không xác định được đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng rừng thông hàng chục năm tuổi dọc quốc lộ 28 bị đầu độc, bức tử, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Tỉnh ủy Đắk Nông nhận định có nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan.
“Từ nhiều năm trước đây đã có thông tin thành lập huyện mới (tại xã Quảng Sơn) nên tình trạng giá đất thị trường tăng cao, đã xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Công tác quy hoạch ba loại rừng còn bất cập, chưa phù hợp. Việc giao đất giao rừng chỉ diễn ra trên số liệu hồ sơ mà không thực địa…”, kết luận số 840 nêu rõ.
Ngoài ra, theo Tỉnh ủy Đắk Nông, để xảy ra tình trạng phá rừng, nhất là rừng thông, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật có phần trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng huyện Đắk G’Long. Trong đó, chính quyền địa phương các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước.
“Khi có quyết định thu hồi dự án, có cơ quan chức năng chậm thực hiện nhận bàn giao rừng, dẫn đến tình trạng rừng thông không có chủ quản lý, bị phá với diện tích lớn”, Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ ra nguyên nhân rừng của Công ty TNHH TM Nguyên Vũ bị mất. Công ty này từng thuộc sở hữu của một nguyên lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông mà Dân trí đã phản ánh trước đó.
Ngoài công tác quản lý yếu kém dẫn đến mất rừng, tỉnh Đắk Nông còn khẳng định, tình trạng trên diễn ra còn có sự “giúp sức” của một số cán bộ địa phương.
“Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí có trường hợp cán bộ thuê người cắt thông trái quy định”.
Trước tình trạng rừng thông bị phá, bị đầu độc, đất rừng bị lấn chiếm, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây mất an ninh trật tự địa phương, tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công an huyện đẩy nhanh việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật; đặc biệt tập trung làm rõ những đối tượng có dấu hiệu bảo kê, kích động cầm đầu, lôi kéo người dân phá rừng, hủy hoại rừng.
Đối với diện tích thông chết, Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị xem xét trách nhiệm của UBND huyện Đắk G’long.
Trước đó, Dân trí phản ánh về những cánh rừng thông đã “chết trắng” dọc hai quốc lộ của tỉnh Đắk Nông. Thông bị đầu độc, bức tử bằng thuốc diệt cỏ nhằm mục đích lấn chiếm đất. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo sự việc.
Được biết, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đã kỷ luật hành chính, kỷ luật đảng đối với 65 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai.
Từ năm 2010 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk G'long đã khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng, liên quan đến rừng thông trồng dọc quốc lộ 28, khởi tố 4 bị can