Đắk Nông “hé lộ” nguyên nhân rừng thông chết trắng
(Dân trí) - Rừng thông dọc quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh bị đầu độc, bức tử với mục đích lấn chiếm đất rừng. Tỉnh Đắk Nông khẳng định, tình trạng trên diễn ra do có sự “dung túng” của cán bộ địa phương.
Gần 1 năm sau phản ánh về tình trạng rừng thông dọc quốc lộ 14- đường Hồ Chí Minh bị đầu độc, bức tử, tỉnh Đắk Nông đã có kết luận sự việc. Trước đó, Tỉnh ủy Đắk Nông đã giao 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28.
Rừng mất nhiều hơn khi giao cho địa phương quản lý
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra số 1593- kiểm tra tại huyện Đắk Song cho biết, rừng thông dọc quốc lộ 14 là rừng phòng hộ cảnh quan (PHCQ) được hình thành từ những năm 1984 và 1986, do Liên hiệp Gia Nghĩa trồng và một phần rừng tự nhiên.
Trước năm 2010, diện tích rừng này được giao cho cho các công ty lâm nghiệp quản lý, tuy nhiên do buông lỏng quản lý nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp. Đến cuối 2009, rừng thông được giao cho lực lượng kiểm lâm quản lý.
Đến cuối năm 2018, theo Quyết định 2195/QĐ- UBND tỉnh Đắk Nông, diện tích rừng PHCQ quốc lộ 14 là 416,29 ha, trong đó diện tích do UBND huyện Đắk Song quản lý là 380,88ha.
Theo Kết luận của Đoàn kiểm tra số 1593, giai đoạn 2010-2014, rừng PHCQ quốc lộ 14 được giao cho người dân, hộ gia đình và ban tự quản thôn quản lý. “Các nhóm hộ gia đình này cơ bản có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng”, báo cáo nêu rõ.
Từ năm 2015 trở lại đây, rừng PHCQ quốc lộ 14 được giao cho địa phương quản lý. Cũng từ đây, số vụ phá rừng trái pháp luật, khai thác rừng trái pháp luật gia tăng đáng kể với tổng số 87 vụ, làm thiệt hại hơn 26ha rừng.
Đoàn kiểm tra kết luận, chính quyền các cấp của huyện Đắk Song đã thực hiện cưỡng chế, giải tỏa nhiều trường hợp xây dựng nhà, lán trại, lều quán… trên đất lấn chiếm. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tiêu cực cũng được đoàn chỉ ra.
Trong đó nhấn mạnh: “Từ khi rừng PHCQ quốc lộ 14 được giao về địa phương quản lý, Ban thường vụ Huyện ủy và chính quyền các cấp của huyện Đắk Song trong thời gian dài đã không cương quyết trong công tác xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm; số vụ phá rừng hoặc khai thác rừng trái phép tăng cả về số vụ và số diện tích. Trong đó số vụ tăng hơn 10 lần, số diện tích tăng hơn 5 lần”.
“Có dấu hiệu dung túng, hợp thức hóa sai phạm”
Theo Đoàn kiểm tra, đến thời điểm kiểm tra, diện tích rừng còn lại là gần 219 ha. Thay vào đó, hàng chục căn nhà, vật kiến trúc được xây dựng trên đất rừng; tình trạng san ủi, đào đắp mặt bằng thuộc rừng PHCQ quốc lộ 14 diễn ra rầm rộ, với diện tích lớn.
Tỉnh ủy Đắk Nông khẳng định, dù đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thế nhưng kết quả, hiệu quả giữ rừng không đạt. Trong thời gian qua, hình thành một số điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tình trạng san lấp mặt bằng trái phép diễn ra trong thời gian dài, không có dấu hiệu dừng lại.
Từ thực tế trên và qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra 1593 cho biết, các địa phương đã buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, một số trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định; tình trạng tiêu cực diễn ra nhiều, phức tạp nhưng không có biện pháp ngăn chặn, thậm chí còn tiến hành xây nhà văn hóa trên đất rừng phòng hộ.
“Một số trường hợp xác định nguồn gốc đất sử dụng không chính xác, có dấu hiệu cố tình làm sai, dung túng trong việc chuyển mục đích, xây dựng nhà trái pháp luật; có biểu hiện từng bước hợp thức hóa cho hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân…”, kết luận đoàn kiểm tra số 1593 nêu rõ.
Trước đó Dân trí đã từng nhiều lần phản ánh, tình trạng bức tử rừng thông phòng hộ tại tỉnh Đắk Nông diễn ra thường xuyên dọc hai tuyến quốc lộ 14 và 28; bằng thủ đoạn khoan lỗ, đổ thuốc diệt cỏ. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo sự việc.
Tháng 11/2019, tỉnh Đắk Nông thành lập hai đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28 do hai Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn.
Đến đầu cuối tháng 10/2020, dọc hai quốc lộ trên, hàng loạt cánh rừng thông đã “chết trắng” do bị đầu độc, bức tử. Vào sâu bên trong những cánh rừng, cảnh tượng thông chết còn nhiều và xót xa hơn. Nhiều dấu vết cho thấy thông bị khoan lỗ, đầu độc bằng hóa chất.
Trong số này, nhiều cây thông bị khoan từ 3 lỗ trở lên, sâu khoảng 6-10cm với đường kính lỗ khoan khoảng 7mm để đổ dung dịch hóa chất. Thông khô héo, gãy gục xuống đất hoặc bị cưa hạ ngổn ngang. Rừng thông khô còn bị các đối tượng châm lửa đốt cháy.
Tính đến thời điểm này, có hàng nghìn cây thông có tuổi đời hơn 30 -40 năm bị phá hoại, có nhiều cây có đường kính từ 40cm-50cm bị chết nằm la liệt dọc hai bên đường.