1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Thông chết, rừng hết thì ai đau?

(Dân trí) - Đúng như phản ánh, những cánh rừng thông bị đầu độc chỉ sau một thời gian ngắn đã chết khô. Dọc quốc lộ 14, quốc lộ 28 chỉ còn một vài cây thông xanh đơn độc còn sót lại...

Rừng thông tại Đắk Nông bị bức tử

Thông chết khô vì bị đầu độc

Quốc lộ 14 được coi là dải lụa vắt qua Tây Nguyên. Con đường huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ từng nổi bật với những cánh rừng thông nằm dọc hai bên đường. Tuy nhiên, dọc tuyến quốc lộ này đoạn qua tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 11 tới nay hàng nghìn cây thông từ 30-40 năm tuổi đã bị tàn phá, hủy hoại và dần chết khô.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 1
Những mảng thông chết dọc quốc lộ 14
Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 2
Những vạt thông loang lổ da báo vì hàng trăm gốc thông chết khô

Nếu trước đây, dọc trên tuyến quốc lộ là những cánh rừng thông rậm rạp, xanh rì thì giờ đây chỉ còn lại những vạt rừng manh mún, loang lổ da báo, nằm đan xen với nhà dân và những vườn hồ tiêu, cà phê. Có những cây có đường kính khoảng từ 30-60cm héo khô, chết mục.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 3
Phần lớn thông ở đây bị ken thuốc độc để chết từ từ

Tính từ đầu xã Trường Xuân đến cuối xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), suốt quãng đường gần 30 km dọc theo quốc lộ 14 đâu đâu cũng có hàng loạt cây thông chết. Khu vực ít thì có vài cây, khu vực nhiều thì có hàng trăm cây thông chết đứng; nhiều vạt rừng thông chết không còn cây nào.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 4
Thông dọc quốc lộ 28 cũng chết khô vì bị bức tử

Không riêng rừng phòng hộ cảnh quan trên tuyến quốc lộ 14, rừng phòng hộ trên quốc lộ 28 đoạn quan huyện Đắk G’Long của tỉnh này cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, tại khu vực đoạn qua các địa bàn xã Quảng Sơn và xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long) việc tàn phá rừng thông diễn ra rất phức tạp.

Theo UBND xã Quảng Sơn, trong tháng 10/2019, Ban Lâm nghiệp của UBND xã này đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành kiểm tra, đo đếm và ghi nhận có hơn 6,6 ha đất bị phá, 1.400 cây thông bị ken, vạc vỏ, khoan lỗ đổ hóa chất.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 5
Dây thép gai được gim luôn vào những thân cây chết để nhận đất lấn chiếm

Ông V.V.H, người dân xã Quảng Sơn bức xúc: “Chúng tôi đã sống ở đây cả hai chục năm trời, chưa bao giờ thấy thông chết mà xót xa như thế này. Đau lắm. Rừng thông đẹp, xanh tốt ngày nào, bây giờ chỉ còn mấy gốc. Họ làm thế thì sau này con cái họ còn biết rừng là gì nữa không?”.

Ai phải chịu trách nhiệm ?

Trước đó, Dân trí từng phản ánh tình trạng đầu độc, bức tử rừng thông tại hai tuyến quốc lộ trên. Tình trạng trên kéo dài, ngày càng phức tạp và tinh vi khiến diện tích thông bị chết ngày càng lớn. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông từng xót xa, đau lòng khi thông chết mà không biết truy trách nhiệm cho ai.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 6
Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông từng xót xa trước tình trạng thông bị bức tử

Tuy nhiên, phải sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tháng 11/2019, tỉnh Đắk Nông mới quyết liệt vào cuộc. Tỉnh ủy Đắk Nông thành lập hai đoàn công tác để kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và quốc lộ 28, do 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.

Nhiệm vụ là làm rõ những nội dung trọng tâm như công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng. Đồng thời, đoàn công tác sẽ kiểm tra công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng ven quốc lộ 14 và quốc lộ 28, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 7
Thông bị vạc vỏ, đốt gốc đến chết

Ông Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đắk Song cho biết, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng trên tuyến quốc lộ 14 diễn ra rất phức tạp. Mục đích của các đối tượng là phá rừng nhằm chiếm đất mặt tiền trên quốc lộ và đất sản xuất.

“Rừng phòng hộ cảnh quan trên tuyến quốc lộ 14 tiếp giáp với mặt đường, điều kiện đi lại dễ dàng, dễ tiếp cận nên rất khó quản lý. Hầu hết các vụ ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông đều được các đối tượng thực hiện vào ban đêm nên rất khó phát hiện, ngăn chặn. Ngoài ra, khi thông bị bơm hóa chất thì sau một thời gian dài mới chết nên rất khó phát hiện hành vi vi phạm của các đối tượng”, ông Hợp giải thích.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 8

Những căn nhà nằm ngay cạnh rừng thông bị đốn hạ ngổn ngang

Về việc rừng phòng hộ cảnh quan ven quốc lộ 14 liên tục bị tàn phá, ông Hợp cũng thừa nhận trách nhiệm thuộc về chủ rừng, trong đó có UBND huyện Đắk Song, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, UBND xã Nâm N’Jang, Trường Xuân và tập thể các hộ dân nhận giao khoán rừng đã thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra vụ việc.

Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 9
Thông chết, rừng hết thì ai đau? - 10
Chỉ sau ba tháng, những cây thông hàng chục năm tuổi đã trơ trụi, chết khô

“Hiện Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác triển khai quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14. Thu hồi các quyết định giao đất, giao rừng đối với tập thể, cá nhân để rừng bị lấn chiếm. Xử lý hàng triệt để các nhà tạm của người làm trên rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo các ngành chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác trồng rừng với phương châm “chết một cây trồng lại hai cây” để khôi phục lại cánh rừng này”, ông Hợp khẳng định.

Dương Phong