Thừa Thiên - Huế:
Rùa biển quý hiếm liên tục lạc vào đầm phá
(Dân trí) - Vào lúc 15h30 ngày 28/4, tại thôn Thanh Mỹ, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, trong lúc thu nò sáo, anh Hồ Phu (hội viên chi hội nghề cá Thanh Mỹ) phát hiện một con rùa biển.
Sau đó anh đã đưa con rùa biển vào nhà chăm sóc và báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, các cán bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có mặt kịp thời xem xét.
Qua kiểm tra, xác định con rùa biển là loài Đồi Mồi Dứa tên khoa học Lepidochelys olivacea, họ Vích Cheloniidae, bộ rùa biển, chiều dài 60 cm, rộng 50 cm, cân nặng 10,5 kg. Mai rùa hình ovan, viền ngoài có các khía nhọn, hai bên có 7 đôi tấm vảy đối xứng, màu xanh đen. Hình dáng mai phẳng, phía trước đầu có 4 đôi vảy, rùa khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Đây là loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, mức độ nguy cấp bậc EN cấm khai thác, đánh bắt dưới mọi hình thức (Quyết định 82/2008/QĐ-BNN).
"Ghi nhận từ trước nay thỉnh thoảng một vài năm mới có một con rùa biển lạc vào bờ biển bãi ngang Thừa Thiên Huế. Hiện tượng nhiều rùa biển liên tục lạc vào đầm phá Thừa Thiên Huế trong vòng tháng nay, được xem là xưa nay hiếm. Theo thông tin ban đầu của các nhà sinh học, phải gần 30-40 năm thì một con rùa biển mới trưởng thành và tham gia quá trình sinh sản. Những con rùa đực sau khi đã nở sẽ không bao giờ quay trở lại bờ biển, còn những con rùa cái sau khi giao phối sẽ quay về chính nơi nó đã sinh ra để đẻ trứng. Mùa đẻ trứng các loài rùa biển thường từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch và chúng thường chọn các bãi cát vào ban đêm có ít tiếng ồn và ánh sáng để sinh sản" - TS. Nguyễn Quang Vinh Bình. |