1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rộ thú chơi cây... ăn thịt

Vài năm trở lại đây, người chơi cây cảnh Việt Nam bắt đầu chú ý tới một loại cây cảnh kỳ lạ, có thể bắt và… ăn các loại côn trùng như ruồi, nhện, kiến.

Theo anh Huỳnh Mai Sơn (sống tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM), một người có kinh nghiệm sưu tập cây ăn thịt, cho biết loài cây này mọc nhiều ở vùng đầm lầy dọc bờ biển Nam Carolina, Mỹ. Khi ruồi, muỗi, nhện… quanh quẩn xung quanh, chúng sẽ bị lá cây kẹp lại và… nuốt chửng.

 

Loại cây kỳ lạ

 

Anh Huỳnh Mai Sơn cho biết cây ăn thịt là tên gọi chung của nhiều loại cây như cây hố bẫy có tên khoa học là Sarracenia, cây gọng vó hay cây bắt mồi có tên khoa học là Flytrap, cây nắp ấm có tên khoa học Nepenthes. Cách bắt mồi của loài cây này rất kỳ lạ.

 

Ví dụ như cây Nepenthes: trên miệng nắp ấm có một chất rất nhờn, khi côn trùng đậu trên miệng nắp sẽ bị tuột vào lòng ấm và bị dung dịch nước (chứa các enzym tiêu hóa hay vi khuẩn) tiêu hóa phần mềm của cơ thể côn trùng. Khi “ăn” hết, cây lại mở nắp, tiết mật dụ dỗ con mồi mới.

 

Rộ thú chơi cây... ăn thịt  - 1

Cây nắp ấm, một loại cây ăn thịt giá rẻ, dễ trồng.

 

Nhưng loài cây ăn thịt kỳ lạ nhất có lẽ là cây venus flytrap có tên khoa học là Dionaea muscipula, từng được mệnh danh “thực vật kỳ diệu nhất thế giới”: tốc độ săn mồi của chúng rất nhanh. Loại cây này mới được những người sưu tập cây ăn thịt ở Việt Nam chú ý trong thời gian gần đây. Theo tài liệu khoa học, những cái lá hình vỏ sò của loại cây này có thể “gắp” con mồi chỉ trong 1/10 giây, nhanh hơn cái… chớp mắt.

 

Điều thú vị là cây ăn thịt này không ngán côn trùng nào, từ ruồi, nhện, kiến.., nhưng lại không thể ăn được loài bọ cánh cứng (nếu cây vô tình bắt bọ cánh cứng thì một lúc cũng phải nhả ra vì không thể tiêu hóa được).

 

Ngoài côn trùng, liệu cây ăn thịt có thể “ăn thịt” động vật? Anh Hồ Hoàng Văn, một người sưu tầm cây bắt ruồi ở quận Thủ Đức đã thử cho thịt heo vào nắp ấm của cây, sau thời gian ngắn nắp bị héo, thối dần (vì cây không thể tiêu hóa được lượng đạm trong thịt). Và nếu cây tiêu hóa quá nhiều ruồi hoặc thức ăn không tươi, mau ôi thì lá sẽ chết.

 

Dễ trồng

 

Nhiều người thích các loại cây ăn thịt vì cho rằng nếu trồng chúng ở phía đông nam sẽ đem về nhiều tài lộc. Đây là một loài cây rất dễ trồng, chỉ cần một ống xơ dừa hoặc cát, tưới nước 2 - 3 ngày một lần thì cây luôn tươi, đẹp.

 

Theo anh Hoàng Mai, chủ một hiệu chuyên mua bán, trao đổi cây ăn thịt tại TPHCM, trước đây người chơi loại cây này đếm trên đầu ngón tay nhưng nay đã có khá nhiều nhóm lập ra để trao đổi hạt giống và kinh nghiệm ươm trồng. Cây lạ, dễ trồng và ít sâu bệnh nên thu hút nhiều người quan tâm.

 

Hơn nữa, so với nhiều loại cây cảnh, các loại cây ăn thịt có vẻ đẹp lạ mà giá cả phải chăng. Loài nắp ấm có giá chỉ từ vài chục đến 200.000 đồng một cây, đắt nhất là cây bắt ruồi Venus (mua từ Mỹ) có giá khoảng 300.000 đồng một cây.

 

Anh Hồ Hoàng Văn cho biết cây ăn thịt nếu được chăm sóc kỹ quá sẽ không có khả năng… săn mồi. Loài nắp ấm thì sẽ không ra ấm hoặc ra ấm rất nhỏ dù cây phát triển tốt.

 

GS TS Võ Văn Chi, nhà thực vật học, cho biết hiện trên thế giới có khoảng 500 loại cây ăn thịt, chúng có thể sống và phát triển trong môi trường axit, khô cằn. Là thực vật biết quang hợp song cũng biết săn mồi để lấy thêm dinh dưỡng.

 

Chúng thường sống ở đầm lầy, trên đất cát, trong ao hồ và phần lớn tập trung ở vùng nhiệt đới. Riêng ở Việt Nam, hiện có hơn 20 loài cây ăn thịt và chia thành rất nhiều họ khác nhau. Do điều kiện sống nghèo dưỡng chất nên một số bộ phận cây như lá, thân phải có sự thay đổi phù hợp môi trường.

 

 Theo Báo Đất Việt