1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rể Tây đón Tết ta ở Hội An

Ở TP Hội An (Quảng Nam) có rất nhiều phụ nữ lấy chồng Tây. Có người theo chồng ra nước ngoài sinh sống nhưng cũng không ít chàng rể mê mẩn cuộc sống ở phố Hội, nhất là Tết cổ truyền của người Việt.

"Ghiền” Tết Việt

“Tết Việt Nam rất vui, rất ý nghĩa, chúng tôi được nghỉ để đi thăm bạn bè, nấu những món ăn cổ truyền của người Việt, tặng tiền lì xì cho trẻ em. Rất khác với nước Pháp, ở Pháp chúng tôi chỉ tổ chức đón giao thừa, bạn bè tập trung vui chơi, chứ không ăn Tết và nghỉ dài ngày như ở Việt Nam”, anh Pascal Rousseau (40 tuổi, người Pháp) chia sẻ.

Anh cho biết đây là lần thứ sáu anh cùng vợ con đón Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Đến Hội An du lịch năm 1994, Pascal tình cờ gặp chị Trần Thị Thu (31 tuổi), người chèo đò trên sông Hoài.
Cảm mến cô gái nhỏ nhắn vất vả, anh làm quen. Trở về Pháp, nỗi nhớ về cô gái Việt chân chất bám riết lấy anh. Nhiều lần anh biên thư cho chị nhưng chẳng có hồi âm.

Không cưỡng được trái tim mình, một năm sau, anh lại bến đò xưa tìm chị. Sau một thời gian, hai người nên duyên vợ chồng, chị Thu theo anh sang Pháp sinh sống.

Sau gần 10 năm cùng vợ và 2 con trở lại Việt Nam đón cái Tết đầu tiên, Pascal thấy cảm mến cuộc sống nơi đây nên quyết định định cư luôn ở Hội An.
 
Chàng rể Pascal Rousseau chuẩn bị đón Tết Nguyên đán hạnh phúc bên vợ và con
Chàng rể Pascal Rousseau chuẩn bị đón Tết Nguyên đán hạnh phúc bên vợ và con

“Lần đầu được đón Tết Việt, tôi hết sức ấn tượng, mê Tết lắm, nhất là những lễ hội rất đông vui. Tôi thường hay kể với bạn bè nước mình về phong tục, tập quán đón Tết của người Việt. Tôi yêu điều đó nên quyết định cùng vợ con sinh sống ở đây”, Pascal nói.

Chị Thu cho biết, đã sáu năm nay, năm nào chị cũng cùng chồng tổ chức đón giao thừa theo đúng phong tục người Việt. Chị cũng luôn dạy dỗ 2 đứa con trai của mình về ngày Tết thiêng liêng của dân tộc.

“Tôi rất hạnh phúc vì ông xã rất yêu Việt Nam, anh ấy nói muốn mọi người xem mình là người Việt thật sự. Tết năm nay anh còn dự định đi làm hướng dẫn viên để góp tiền ủng hộ học sinh nghèo”, chị Thu kể.

Mê nhất bánh chưng

Chiều chủ nhật, trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Phúc Chu (phường Minh An, TP Hội An) hai vợ chồng chị Nguyễn Thái Hằng (31 tuổi, quê Hà Nội) và anh Matthieu Schneider (34 tuổi, quốc tịch Pháp) đang cẩn thận lau từng chiếc lá chuối.

Thấy chúng tôi, anh Matthieu niềm nở khoe đó là những tàu lá chuối anh cùng chị Hằng mua ở chợ để chuẩn bị cho món bánh chưng ngày Tết.
 
“Năm ngoái, khi ở lại nhà một anh bạn người Việt để đón Tết, tôi đã được bạn dạy học làm bánh chưng. Tôi nhớ lúc đó cái bánh chưng tôi gói có hình tròn chứ không vuông được như các bạn Việt Nam” anh Matthieu vui vẻ kể.
 
Metthieu cho biết, trong những món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam, anh mê nhất món bánh chưng.
“Các bạn bè người Việt còn kể cho tôi nghe về sự tích Bánh chưng, bánh dày. Tôi không ngờ cái bánh này lại gắn với cậu chuyện thiêng liêng như thế. Vậy nên năm nay tôi sẽ học gói bánh chưng”.
 
Matthieu và chị Hằng mới cưới nhau vào đầu năm 2011 ở Hà Nội, khi đó chị Hằng là hướng dẫn viên du lịch. Họ yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân. Nhiều lấn đến Hội An, thấy yêu mến cảnh sắc, không khí nơi đây, lại gặp nhiều đồng hương nên Matthieu quyết định cùng chị Hằng vào định cư.
 
“Ngày Tết ở Việt Nam vui quá, có cả hoa đào, hoa mai thật đẹp và thật độc đáo. Không khí thì ấm áp và nhộn nhịp. Có những người tôi chưa gặp bao giờ nhưng khi thấy tôi, họ vui vẻ chào hỏi, vui vẻ chúc những điều tốt đẹp”- anh Matthieu trải lòng.
 
Khác với Pascal và Matthieu, Robert (người Úc) mới kết hôn với chị Nguyễn Thị Sáu (phường Minh An) trong năm nay nên chưa được hưởng cảm giác đón Tết ở Việt Nam.
 
Tuy vừa mới học tiếng Việt nhưng Robert tỏ ra rất sành sỏi, anh chia sẻ: “Tết ở Úc không quan trọng bằng lễ Giáng sinh, chỉ được nghỉ một ngày để đón Tết. Nhiều lần nghe bạn bè kể về Tết cổ truyền ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất thích, vì thế tôi rất hào hứng được cùng vợ đón Tết ở đây”
 
Anh Robert là một kỹ sư xây dựng, sang Việt Nam làm việc đã 2 năm, nhưng đây là cái Tết đầu tiên anh ở lại Việt Nam. Anh dự định sau Tết Nguyên đán sẽ đưa vợ về Úc một thời gian rồi mới trở lại Hội An sinh sống.
“Tôi phải đi chơi các lễ hội, nếm các món ăn ngày Tết để khi về nước rồi vẫn luôn nhớ mãi Việt Nam, đất nước các bạn rất tuyệt vời”, Robert nói.
 
Tết Việt là Tết của tình người

Ông Kiell Ka Kan Sson (76 tuổi, người Thụy Điển): “Tôi đã ở Việt Nam hơn 10 năm và cũng đã đón chừng đó cái Tết. Cái đặc sắc nhất của Tết Việt đó là tình người. Mỗi lần đến Tết gia đình được sum họp, những người đi làm ăn xa được trở về nhà đón Tết. Tết Việt có những phong tục rất phức tạp nhưng rất độc đáo. Đó là nét văn hóa đáng quý mà người Việt nên gìn giữ”
 
Theo Trần Thường
Người Lao Động