1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rất tốn kém nếu hai Bộ cùng “tranh” cấp mã số công dân

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý về hành chính (C72), Bộ Công an - Đại tá Vũ Xuân Dung cảnh báo, đề án tổng thể xây dựng “kho mã số định danh cá nhân” do Bộ Tư pháp làm “dẫm chân” đề án cấp chứng minh thư mới 12 số của Bộ Công an.

Về quan điểm cấp mã số định danh cá nhân, Bộ Công an đề xuất và đã triển khai thí điểm phương án cấp đổi chứng minh thư mẫu mới (12 số) cho người dân. Tuy nhiên, phương án này là xuất phát từ quan điểm quản lý chứng minh thư của Bộ Công an. Còn với những công dân mới chào đời, chưa đến tuổi làm chứng minh thư, thủ tục đăng ký khai sinh thuộc phần việc của Bộ Tư pháp. Lúc này, cơ quan nào sẽ là người cấp số định danh?

Tôi cho rằng 2 Bộ - Công an và Tư pháp - phải thống nhất với nhau về phương án. Nếu Bộ Tư pháp không có khả năng trang bị phương tiện, cơ sở thực hiện công việc này thì hệ thống của chúng tôi có thể đáp ứng. Còn nếu Bộ Tư pháp thích làm riêng thì chúng tôi cho rằng phương án như vậy là không trùng nhau.

Như vậy quan điểm Bộ Công an là sử dụng kho số của mình cấp “trước” cho trẻ em ngay khi vừa mới sinh ra, sau này, số đó sẽ dùng luôn làm số chứng minh thư?

Đúng vậy. Khi nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi thấy nếu hai ngành quản lý làm phát sinh 2 số quản lý khác nhau thì sau này sẽ rất chồng chéo. Tốt nhất là phải thống nhất cả trong thời điểm đăng ký khai sinh và đến tuổi làm chứng minh thư. Rất may khi làm luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp có mời chúng tôi sang. Khi chúng tôi đề xuất phương án cấp số định danh như vậy, Bộ Tư pháp đồng ý và đề nghị ghi luôn vào luật Hộ tịch, giao Bộ Công an quản lý kho số này.
Đại tá Vũ Xuân Dũng - Cục trưởng C72, Bộ Công an.
Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng C72, Bộ Công an.

Được biết, vừa qua, Bộ Công an có báo cáo gửi lên Chính phủ đề cập việc khi thực hiện Nghị định 90, Chính phủ đã giao Bộ Công an làm Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… nhưng Bộ Tư pháp lại nói đề án Bộ này đang làm là do UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu xây dựng. 2 cơ quan nhận được 2 chỉ đạo mà nội dung có sự trùng lặp?

Chính vì thế nên chúng tôi có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp không nên xây dựng đề án tổng thể này nữa mà trên cơ sở đề án xây dựng cơ sở dữ liệu Bộ Công an đang làm, cần bổ sung gì, sửa gì về kỹ thuật, nội dung, nguồn dữ liệu thu thập… thì đề xuất để hoàn chỉnh chứ không nên xây dựng 2 hệ thống dữ liệu song song, rất tốn kém, mà tốn kém đều là tiền của dân cả.

Ý tưởng ban đầu của Bộ Tư pháp muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu khác trên tinh thần một đề án tổng thể, gom tất cả dữ liệu chuyên ngành lại thành một kho dữ liệu tổng thể. Nhưng vậy thì đến bao giờ mới có thể xong được kho dữ liệu dân cư cũng như chờ đến khi nào các bộ ngành khác mới xong bộ dữ liệu của mình để làm tổng thể.

Tại hội thảo lấy ý kiến về đề án tổng thể này do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 26/3, trong báo cáo đề dẫn đã thể hiện quan điểm điều chỉnh là không làm bộ dữ liệu mới mà chỉ bổ sung, tăng cường kết nối trên cơ sở dữ liệu của Bộ Công an nhưng trong dự thảo vẫn chưa chỉnh sửa rõ ràng vấn đề đó.

Còn chúng tôi chỉ kiến nghị Chính phủ là sau này trên cơ sở đề án Bộ Tư pháp trình nếu trùng với Bộ Công an rồi thì thôi, không nên làm nữa.

Nhưng Bộ Tư pháp có lý khi lập luận thông tin Bộ này cần quản lý về vấn đề hộ tịch là rất lớn đối với cả cuộc đời một con người, nếu phụ thuộc vào nguồn dữ liệu của Bộ Công an thì việc quản lý sau này sẽ khó khăn?

Như chúng tôi đã trình bày, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là để dùng chung cho các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước nói chung vì gồm 22 trường thông tin. Còn dữ liệu chuyên ngành, trên cơ sở dữ liệu lõi này anh có thể bổ sung, tùy thuộc yêu cầu quản lý của mình.

Vậy ông nói thế nào về ý kiến cho rằng cả 2 Bộ - Công an và Tư pháp đang dẫm chân lên nhau?

Xin nhắc lại, ngay từ đầu, chúng tôi thấy đề án của bộ Tư pháp làm là gom tất cả thông tin để có một cơ sở dữ liệu tổng thể thì rõ ràng là chồng chéo vì cùng một dữ liệu về công dân, đã quy định trong Nghị định 90 để dùng chung rồi, mà giờ lại có một đề án tổng thể nữa. Chúng tôi đã nói nhiều lần và đã có văn bản nêu quan điểm như thế. Nhưng mới nhất bộ Tư pháp nói mọi việc đều dựa trên cơ sở dữ liệu cũng như phương án đánh mã số định danh như Bộ Công an xây dựng thì chắc không vấn đề gì nữa.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp chờ đợi đề án tổng thể của Bộ được phê duyệt sẽ đóng vai trò như một tổng công trình sư với một Ban chỉ đạo của Chính phủ điều hành việc xây dựng sơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như việc sửa đổi thủ tục, vận hành chương trình cải cách hành chính. Nhưng đề án làm cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an đã triển khai nhiều bước, nếu có chuyện “lệch pha” với nhau sẽ lại phải đi dọn hậu quả?

Đó là quan điểm của Bộ Tư pháp thôi chứ còn quan điểm của Bộ Công an trước nay vẫn khẳng định, Nghị định 90 khi xây dựng đã lấy ý kiến các bộ ngành, xác định 22 chỉ tiêu thông tin để dùng chung. Chính phủ chỉ giao Bộ Công an thu thập, tập hợp thành kho. Nếu chỉ là dữ liệu để Bộ Công an sử dụng thì còn cần nhiều dữ liệu chuyên ngành nữa chứ không phải như vậy.

Nói tổng công trình sư như nào chúng tôi không biết, chúng tôi chỉ đề nghị trên 22 trường dữ liệu đó, cần thêm gì nữa thì các bộ ngành cứ đề xuất bổ sung, báo cáo Chính phủ phê duyệt để sửa Nghị định 90, điều chỉnh lại dự án, từ đó triển khai thu thập thông tin, dữ liệu và cải cách thủ tục hành chính.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)